Doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Hội nghị sơ kết và triển khai chương trình Hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều biện pháp kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại
Theo đánh giá từ Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, năm 2022, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động trong triển khai, thực hiện XTTM. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở chủ động thực hiện nhiều biện pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động XTTM nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Kết quả là sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có đóng góp quan trọng của công tác XTTM.
Một trong những ưu điểm của công tác XTTM mà Long An thực hiện thời gian qua là phối hợp, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), DN trong tỉnh đưa các mặt hàng nông sản chủ lực vào hệ thống phân phối ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Qua đó, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, cải thiện đời sống người dân. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 30 DN, HTX, cơ sở sản xuất đã thực hiện 234 hợp đồng cung ứng rau, củ, quả vào thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng. Đặc biệt, được sự hỗ trợ từ UBND TP.HCM, Long An có nhiều DN từ TP.HCM đến đầu tư, mở rộng thị trường thương mại. Nhiều DN lớn của TP.HCM đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển các cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, bình ổn thị trường tại địa phương. Điển hình như Công ty (Cty) TNHH San Hà, Cty Cổ phần Ba Huân đã đầu tư nhà máy chế biến, giết mổ gia cầm, cũng như ký kết nhiều hợp đồng bao tiêu trứng và gia cầm, thủy cầm.
Tại Bến Tre đã diễn ra Hội nghị sơ kết và triển khai chương trình Hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị nhằm xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đạt chất lượng cao, nhất là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Qua đó, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố, DN có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, XTTM, hợp tác đầu tư, kết nối và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong khuôn khổ hội nghị, chương trình kết nối giao thương cũng diễn ra. Tại đây, có 12 DN Long An tham gia trưng bày, quảng bá và kết nối giao thương.
Tại hội nghị, có 3 đơn vị được các đơn vị phân phối tại TP.HCM ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đó là Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Lộc Tài (dưa hấu, dưa lưới, dưa gang) ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Central Retail VietNam; Nông trang Hải Âu (chanh không hạt) ký kết với Cty TNHH MM Mega Market Việt Nam; Cty TNHH Xuất, nhập khẩu trái cây Hoa Cương (thanh long, sầu riêng,...) ký kết với Cty CP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức.
Doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm
Nỗ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
Vào ngày 14/3/2023, tại TP.HCM, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vinh danh và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn cho 519 DN. Các DN Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 đã và đang giải quyết việc làm cho 341.560 người lao động toàn thời gian và 28.791 người lao động bán thời gian. Cty TNHH Vườn Nhà Mình (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) nhiều năm liên tiếp nhận chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Giám đốc Cty TNHH Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn cho biết, việc được người tiêu dùng bình chọn cho thấy các sản phẩm của Vườn Nhà Mình đã được tin dùng và sử dụng ngày càng nhiều. Đây là tin vui để biết rằng người tiêu dùng quan tâm và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chùm ngây (Moringa) sạch, tự nhiên, tốt cho sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Theo anh Tuấn, sau nhiều năm nỗ lực, DN tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Ban đầu, DN chỉ tạo ra một vài sản phẩm như bột chùm ngây, cháo dinh dưỡng, trà, bánh,... nhưng hiện nay, sản phẩm phong phú hơn, gồm có serum chùm ngây, son dưỡng môi. May mắn của DN là ngoài nỗ lực sản xuất, tạo ra sản phẩm mới thì chương trình XTTM do Sở Công Thương tổ chức đã “chắp cánh” cho Vườn Nhà Mình tiếp cận nhiều thị trường hơn. Hiện nay, sản phẩm của DN được phân phối tại nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, An Giang, Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh,...
Chính những chương trình XTTM mà Sở Công Thương thực hiện thời gian qua đã giúp nhiều DN có thị trường tiêu thụ ổn định. Điển hình như Cty TNHH Chả Giò Kim Ngọc Food (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) hiện có đầu ra ổn định tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, SanHaFoodstore,... với sản lượng nhiều tấn/tuần. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác như lạp xưởng Kim Huệ, mắm ruốc Ba Buôi, bánh tráng Cô Út,...
Theo bà Châu Thị Lệ, trong năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều chương trình XTTM để thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, tạo cầu nối gắn kết thông thương chặt chẽ giữa Long An, TP.HCM với từng tỉnh, thành nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Hàng Việt Nam ưu tiên cho người Việt Nam. Để hàng hóa được thông thương tốt, Sở Công Thương khuyến khích DN cần tuân thủ các quy trình về sản xuất an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng./.
Mai Hương