Tiếng Việt | English

24/07/2023 - 11:34

Hỗ trợ, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP

Để phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và từng bước nâng cao chất lượng nông sản, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Long An đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các chủ thể, cơ sở sản xuất. Trong đó, nổi bật là các hoạt động kết nối, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tỉnh đã xây dựng và công nhận 85 sản phẩm OCOP, trong đó, có 30 sản phẩm 4 sao và 55 sản phẩm 3 sao; có 40 chủ thể tham gia OCOP, trong đó, 6 chủ thể là hợp tác xã, 14 doanh nghiệp và 20 hộ sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh mang các sản phẩm làm từ cỏ bàng của mình đến nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh

Nhằm kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, các ngành chức năng tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Chủ Cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) - Bùi Thành Được cho biết: “Bên cạnh sản phẩm ống hút cỏ bàng được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021, cơ sở hiện còn phát triển thêm một số sản phẩm làm từ cỏ bàng như nón, túi xách,... Các sản phẩm này cũng được cơ sở mang đến giới thiệu và bày bán tại nhiều hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại và nhận được những phản hồi tốt từ khách hàng”.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương tỉnh còn hỗ trợ các chủ thể xây dựng cẩm nang giới thiệu sản phẩm OCOP làm tài liệu giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; đưa thông tin sản phẩm OCOP tỉnh lên hệ thống quản lý - giám sát sản phẩm OCOP quốc gia; đưa thông tin sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Ngoài ra, còn hỗ trợ tem sao, tem truy xuất nguồn gốc QR code dành các chủ thể đạt chứng nhận OCOP.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu có thêm 30 sản phẩm OCOP trong năm 2023. Đồng thời, củng cố, nâng cấp và công nhận lại các sản phẩm đạt chuẩn hết thời hiệu công nhận. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và những sản phẩm tiềm năng để đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các chủ thể tham gia chương trình; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản lý thực hiện chương trình cho các địa phương và các chủ thể sản xuất. Đặc biệt, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP tại các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện chương trình OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết