Tiếng Việt | English

22/11/2019 - 19:55

Hội nghị áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò thịt khép kín của Nhật Bản

Ngày 22/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An tổ chức hội nghị áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khép kín của Nhật Bản để cải thiện chất lượng chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có đoàn công tác Công ty Ushichan Farm (Nhật Bản); lãnh đạo sở, ngành; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, huyện; chủ trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi bò thịt; chủ cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 11.000 hộ chăn nuôi bò thịt, quy mô chăn nuôi trung bình 6 – 10 con/hộ; có 8 trang trại nuôi bò thịt có quy mô trên 100 con (chiếm 0,008% tổng số hộ chăn nuôi). Tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh khoảng 115.161 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 2.362 tấn.

Với vị trí địa lý tiếp giáp biên giới Campuchia, tỉnh Tây Ninh và sát cận thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đặc điểm sinh thái phù hợp với chăn nuôi bò nên Long An là vùng có tiềm năng lớn cho mục tiêu phát triển đàn bò thịt và bò sinh sản.

Trong những năm gần đây, khu vực chăn nuôi bò thịt của tỉnh tập trung ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ (số bò thịt của 2 huyện chiếm khoảng 61% tổng đàn bò thịt của tỉnh).

Tại hội nghị, đoàn công tác Công ty Ushichan Farm giới thiệu quy trình chăn nuôi khép kín, hệ thống nuôi bò thịt bền vững của Nhật Bản có thể áp dụng tại Việt Nam. Qua đó, đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở và Công ty Ushichan Farm tổ chức khảo sát thực tế tại các trang trại chăn nuôi bò thịt có quy mô trên 100 con tại các huyện. Qua khảo sát, nhận định hiện trạng ban đầu các trang trại trên địa bàn tỉnh phù hợp với việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò thịt theo công nghệ Nhật Bản; nếu được ứng dụng công nghệ sẽ góp phần tăng về chất lượng, lợi nhuận và giảm tỷ lệ bò nhập khẩu./.

Thanh Nhã

Chia sẻ bài viết