Tiếng Việt | English

14/04/2023 - 15:07

Hơn 1,19 triệu thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều

Ngày 15/4 là hạn cuối cùng để các thuê bao chuẩn hóa thông tin, nếu không sẽ bị khóa 2 chiều. Tuy nhiên, đến sát ngày vẫn còn hơn 1,19 triệu thuê bao bị khóa 1 chiều chưa thực hiện chuẩn hóa.

Ngày 14/4, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết sau hơn 10 ngày bị khóa 1 chiều, nhiều thuê bao đã đến các điểm giao dịch của nhà mạng hoặc thực hiện chuẩn hóa thuê bao online để trùng khớp với thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chủ thuê bao di động không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 2 chiều vào ngày 15/4. Ảnh: Ngọc Thắng

Riêng trong ngày 13/4 có hơn 25.000 thuê bao bị khóa 1 chiều đi chuẩn hóa thông tin. Tính lũy kế từ 1 - 13/4, đã có 473.000 thuê bao đến mở khóa liên lạc (chiếm 28,3% trên tổng số 1,67 triệu thuê bao đang bị khóa 1 chiều). Như vậy, hiện vẫn còn hơn 1,19 triệu thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin trong ngày hôm nay sẽ bị khóa 2 chiều.

Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho hay: "Theo quy định, 15 ngày sau khi khóa liên lạc 1 chiều, ngày 15.4 sẽ là hạn cuối để thuê bao chuẩn hóa, nếu không sẽ bị khóa 2 chiều. Ngày 15.5, sau 1 tháng bị khóa 2 chiều, nhà mạng sẽ thu hồi số thuê bao nếu khách hàng không chuẩn hóa".

Với các thuê bao chưa chuẩn hóa, Cục Viễn thông khuyến nghị khách hàng nên sớm thực hiện bổ sung, điều chỉnh thông tin theo quy định trong ngày hôm nay để tránh bị khóa 2 chiều gọi đến và đi.

Nếu bị khóa 2 chiều, khách hàng sẽ phải đến trực tiếp tại các điểm giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao và mở khóa liên lạc trở lại.

Các thuê bao đang bị khóa 1 chiều vẫn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin bằng hình thức online trên web, ứng dụng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch.

Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, việc chuẩn hóa các thuê bao còn lại gặp khó khăn do 20% trong số 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa đang sống ở vùng sâu, vùng xa. Viettel quyết tâm tiếp cận đến tệp khách hàng này để bảo vệ quyền lợi khách hàng và thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Các nhà mạng cũng ghi nhận những trường hợp như người dùng đang ở nước ngoài, hoặc đang gặp các vấn đề cá nhân nên không thể đến điểm giao dịch chuẩn hoá.

Để hỗ trợ người dân trong việc bổ sung, chuẩn hóa thông tin, ngoài kéo dài thời gian làm việc đến 21 giờ mỗi ngày, tăng cường bộ phận chức năng và nhân viên kỹ thuật, một số nhà mạng xây dựng các công cụ "selfcare" trên ứng dụng di động hoặc website, để người dùng có thể chuẩn hóa từ xa.

Trước đó, ngày 31/3, khoảng 1,67 triệu thuê bao di động đã bị khóa liên lạc chiều đi do chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Cùng với việc chuẩn hóa các thuê bao đang hoạt động, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, sẽ tiến tới đối soát thông tin thuê bao ngay khi khách hàng mua sim. Việc này sẽ được triển khai từng bước, thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng.

Trường hợp nhà mạng vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đặc biệt là với các hành vi như cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao 2 đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao./.

Thu Hằng/Thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Các gói cước Viettel tại vietteldata.vn