Tiếng Việt | English

23/12/2021 - 14:00

Hơn 1.900ha vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP và nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có hơn 1.900ha vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP và nông nghiệp hữu cơ trên các sản phẩm lúa, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, heo, bò thịt và thủy sản.

Thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Khôi Nguyên (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường

Thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Khôi Nguyên (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường

Vùng nguyên liệu này bao gồm 98 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở vừa sản xuất rau, vừa sản xuất lúa. Cụ thể, có 17 lượt cơ sở sản xuất lúa đạt chứng nhận VietGAP và nông nghiệp hữu cơ với hơn 740ha, sản lượng hơn 10.400 tấn; 32 cơ sở sản xuất rau, diện tích hơn 195ha, sản lượng gần 13.500 tấn; 39 cơ sở quả, diện tích hơn 968 ha, sản lượng gần 31.500 tấn; chăn nuôi diện tích hơn 28ha, trong đó có bò thịt, bò giống, gà thịt, trứng và tôm.

Nhằm khuyến khích, mở rộng vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP và nông nghiệp hữu cơ, ngành Nông nghiệp cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp của Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản  thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao, xác nhận sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi và tổ chức các điểm bán thực phẩm an toàn.

Việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, bảo đảm môi trường trên địa bàn tỉnh, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh, thành phố trong nước và thị trường thế giới.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Huỳnh Kim Toán cho biết: “Theo ghi nhận, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đều đạt năng suất cao hơn so với ngoài mô hình. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho sản xuất trong mô hình cũng thấp hơn do nông dân kiểm soát được tình hình sâu, bệnh ngay từ đầu vụ, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lượng công lao động. Mặt khác, giá bán sản phẩm được chứng nhận VietGAP cao hơn và dễ tiêu thụ hơn sản phẩm chưa được chứng nhận VietGAP”./.

Bùi Tùng

 

Chia sẻ bài viết