Tiếng Việt | English

18/12/2017 - 18:14

Hưng Điền B: Khó khăn trong sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày

Là 1 trong 3 xã biên giới của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, năm qua, dù có nhiều nỗ lực nhưng Hưng Điền B vẫn không đạt kế hoạch Nghị quyết Đảng ủy xã về triển khai, thực hiện sản xuất 300ha cây công nghiệp ngắn ngày.

Mè rớt giá, nông dân lao đao

Từ giống “trồng chơi, ăn thật”, cây mè bỗng trở thành nỗi ám ảnh đối với người nông dân vùng biên khi cùng một lúc bị thiệt hại kép: “Mất mùa - rớt giá”. Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền B - Tạ Văn Mệnh cho biết, năm qua, Nghị quyết Đảng ủy xã xác định triển khai 300ha sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, nhưng đến cuối năm chỉ thực hiện được 181ha, đạt hơn 60%. Trong số 300ha sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, có hơn 100ha trồng mè nhưng vụ vừa rồi không có lãi, nên nông dân không còn mặn mà.

Thấy đầu ra cây mè thường không ổn định nên ông Lê Văn Thành chuyển sang trồng khổ qua

Lý giải việc nông dân trồng mè gặp khó, ông Tạ Văn Mệnh cho rằng, thông thường, sau vụ lúa Đông Xuân, tận dụng lúc nhàn rỗi, nông dân sản xuất thêm vụ mè. Tuy nhiên, những năm gần đây, lũ rút trễ, nông dân sạ muộn, sau khi thu hoạch lúa thì trễ vụ mè. Trồng không đúng thời vụ nên mè thường xuyên bị mất mùa do hạn, dịch bệnh.

Ông Hồ Văn Tèo, ngụ ấp Gò Pháo, nhiều năm trồng mè cho biết, giá mè phải đạt mức từ 35.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lời. Trước đây, với 1ha đất, chỉ cần chăm sóc hơn 2 tháng, người trồng có thể thu lợi nhuận 20-40 triệu đồng. Thế nhưng, vụ mè vừa rồi, nông dân lâm cảnh khốn đốn. “Khi ra hoa, đậu hạt thì trời nắng hạn nên hạt lép; khi không cần mưa thì lại mưa quá nhiều, trong khi cây mè không “ưa” nước nên bị úng rồi chết. Mè bị bệnh nấm, thối rễ, chết cây và đến khi thu hoạch, giá rớt còn 21.000 đồng/kg” - ông Tèo than vãn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền B - Tạ Văn Mệnh, sắp tới, diện tích cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn xã tiếp tục giảm. Theo kế hoạch, năm 2018, địa phương có 200ha trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân trồng 26ha; trong đó, dưa hấu 22ha, rau muống 4ha. Riêng cây mè, rất có khả năng diện tích giảm nhiều so với mọi năm, bởi giá cả bấp bênh, người dân không còn “mặn mà” canh tác. Điều này, phần nào gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về xây dựng vùng sản xuất 1.000ha cây công nghiệp ngắn ngày ở 3 xã biên giới: Hưng Điền, Hưng Điền B và Hưng Hà; trong đó, cây mè được khuyến cáo gieo trồng.

Cần có giải pháp tìm đầu ra cho cây mè

Thực tế cho thấy, cây mè phù hợp thổ nhưỡng địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân trồng mè ở Hưng Điền B chủ yếu tự tìm thương lái để bán, giá cả không ổn định nên hiệu quả sản xuất không cao.

Ông Lê Văn Thành, ngụ ấp Gò Pháo, cho biết: “Thấy đầu ra cây mè thường không ổn định nên tôi quyết định trồng hoa màu: Khổ qua, dưa leo, bắp,... Trung bình 1.000m2 đất, mỗi năm trồng 3 vụ, tôi thu lãi 15 triệu đồng. Nguồn thu nhập này không bằng những lúc mè trúng giá nhưng tôi đỡ phải tìm thương lái như khi trồng mè”. Cũng theo ông Thành, để cây mè phát triển thật sự bền vững, việc chuyển giao kỹ thuật trồng cho nông dân cần được tăng cường. Đồng thời, người trồng cần được gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nhất là việc bao tiêu sản phẩm đối với cây mè.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền B - Tạ Văn Mệnh cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm, tìm đầu ra ổn định cho cây mè để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương cũng như thực hiện thắng lợi nghị quyết Huyện ủy.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân, trên cơ sở chuyên canh lúa, việc luân canh mè trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao ở các xã vùng biên của huyện Tân Hưng. Thế nhưng, hiện tại, người dân Hưng Điền B không khỏi lo lắng, bởi nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa thu hoạch, giá mè lại tăng, giảm thất thường làm nông dân bao phen khốn đốn./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết