Huyện Cần Đước thực hiện một số mô hình, hướng đến phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường
Những kết quả tích cực
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, phân loại rác tại nguồn (tại hộ gia đình) trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa, vai trò thiết thực trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong dân khi khối lượng chất thải không ngừng gia tăng qua từng năm. Tỉnh tổ chức mô hình điểm tại TP.Tân An, đạt những kết quả khá tích cực trong công tác BVMT. Người dân thay đổi dần thói quen và cùng tham gia thực hiện, góp phần giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, hạn chế ô nhiễm, BVMT.
Chị Nguyễn Thị Dung (khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi nhận thấy, qua thời gian thực hiện, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình giảm hẳn. Chất lượng môi trường trong khu dân cư sinh sống được cải thiện rõ rệt. Người dân cũng nắm rõ cách thức phân loại rác thải để thuận lợi trong việc thu gom, xử lý. Chúng tôi mong muốn địa phương, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn, tránh kêu gọi, thí điểm để lấy thành tích rồi sau đó không thực hiện nữa”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, mô hình điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai tại phường 3 đạt những kết quả tích cực, trên 85% rác thải được phân loại trước khi đưa đi xử lý. Điều quan trọng là ý thức của người dân được nâng lên, biết cách phân loại rác, tạo thuận lợi trong quá trình thu gom, xử lý, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy được vai trò. Khi phân loại rác triệt để, từng loại rác có cách xử lý phù hợp giúp giảm chi phí và giảm tác động tới môi trường. Thời gian tới, TP.Tân An tiếp tục phát huy kết quả, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn.
Tại huyện Cần Đước, việc phân loại rác tại nguồn bước đầu được huyện triển khai, khuyến khích người dân phối hợp thực hiện. Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn, các hộ dân bước đầu làm quen, biết cách phân loại để thực hiện tại gia đình. Ông Trần Văn Định (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) cho biết: “Qua các buổi tập huấn cùng các kênh thông tin tuyên truyền do địa phương tổ chức, người dân cơ bản nắm bắt, hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi còn băn khoăn về vấn đề đơn vị thu gom cũng như xử lý vì khi người dân phân loại rác, những đơn vị này có thực hiện được không?. Ngay tại địa bàn, tôi nhận thấy việc thu gom chỉ có một xe, không phân biệt loại rác mà bỏ chung với nhau. Như vậy thì việc phân loại rác có đạt hiệu quả?. Địa phương, ngành chức năng cần xem xét, giải quyết vấn đề này thì phân loại rác tại nguồn mới đạt hiệu quả cao nhất”.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân
Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Cần Đước - Phạm Thị Kim Tuyền, môi trường đang chịu nhiều tác động do chất thải, nhất là rác thải sinh hoạt. Do vậy, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không chỉ góp phần tận dụng rác thải hữu cơ, rác tái chế mà còn góp phần tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Thời gian qua, phòng phối hợp UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào các thùng đựng rác riêng biệt. Hiện nay, phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện thông qua một số việc làm cụ thể: Phân loại rác thải, dùng rác để ủ phân compost mang lại một số lợi ích thiết thực trong cuộc sống; những hộ dân có thể tận dụng những chất thải có thể tái chế để bán lại cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý nhằm cải thiện kinh tế cho gia đình hay mô hình “Biến rác thải nhựa thành cây xanh” được thực hiện tại xã Phước Tuy do Phòng TN&MT phối hợp Hội Nông dân huyện thực hiện… Hướng tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phân loại rác tại nguồn rộng rãi trên địa bàn huyện.
Phân loại rác tại nguồn bước đầu đạt những kết quả tích cực (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Dung phân loại rác tại nguồn)
Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Tỉnh phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn tại phường 3, TP.Tân An và đã sơ kết, đánh giá đạt yêu cầu theo đúng kế hoạch. Người dân bắt đầu quen với việc phân loại rác, tự giác tham gia. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cũng chuyên nghiệp hơn, tăng độ tin cậy đối với người dân trong vấn đề xử lý rác đã phân loại. Thành công của mô hình là cơ sở để thực thi Luật BVMT năm 2020 về quy định phân loại rác tại các hộ gia đình, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Ngoài thí điểm trên địa bàn TP.Tân An, Sở đang phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam khảo sát, thực hiện phân loại rác tại nguồn ở huyện Vĩnh Hưng. Việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới hết sức cần thiết, cấp bách khi lượng chất thải tăng qua hàng năm. Sở tiếp tục phối hợp UBND TP.Tân An và Tổ chức WWF - Việt Nam hoàn thiện mô hình phân loại rác tại nguồn cho khu vực đô thị và triển khai mô hình ở nông thôn để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong tỉnh. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, nhất là trong việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, hướng đến nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch chung./.
Châu Sơn