Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Bằng hình thức hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống,... thời gian qua, Hội ND các cấp giúp hội viên (HV), ND mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Xác định việc hỗ trợ, giúp đỡ HV phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội các cấp tích cực tuyên truyền, vận động HV chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thực hiện các quy hoạch chung về phát triển KT-XH của tỉnh.
Cùng với đó, Hội ND tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác,...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn cho HVND SXKD; giúp HV quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Điểm bán sản phẩm OCOP tại huyệnTân Thạnh (ảnh:Kim Nhạn)
Hội ND tỉnh chủ động phối hợp ngành Nông nghiệp các địa phương tư vấn, hướng dẫn ND xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, mô hình nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động giúp cây trồng phát triển, tăng năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất truyền thống, điển hình: Mô hình trồng rau an toàn, trồng nấm, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng kỹ thuật nuôi cá lồng bè trên sông, tham gia Chương trình OCOP,...
Thông tin từ Hội ND tỉnh, thời gian qua, Hội phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho HVND về kỹ thuật chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật trồng và chăm sóc chiết ghép cây ăn quả, trồng nấm, rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho heo, trâu, bò,...
Nhằm góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các cấp Hội ND tỉnh vận động HVND tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn; tham gia bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Thời gian qua, cán bộ, HVND đóng góp 779 tỉ đồng và gần 104.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, tu sửa kênh thủy lợi,...
Ông Huỳnh Văn Hữu Hiệp (xã Long Cang, huyện Cần Đước) có thu nhập ổn định nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh - Lê Văn Hùng, thời gian qua, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hơn 43.000 hộ vay, với số tiền hơn 3.800 tỉ đồng.
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp, Hội giải ngân cho 395 dự án và 2.848 hộ vay với số tiền hơn 91,5 tỉ đồng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho HVND phát triển SXKD, nâng cao thu nhập.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động HV tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất để xây dựng hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các loại hình dịch vụ; chủ động phối hợp khai thác các nguồn lực giúp đỡ HV phát triển sản xuất, nâng cao đời sống” - ông Lê Văn Hùng thông tin.
Năm 2024, toàn tỉnh có 86.112 hộ đạt SXKD giỏi các cấp (cấp tỉnh 5.121 hộ, cấp huyện 18.096 hộ, cấp xã 62.895 hộ). Hội ND tỉnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 155 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 4.579 học viên tham gia. |
Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản
Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh xây dựng và triển khai 28 kế hoạch XTTM từ nguồn kinh phí tỉnh giao. Kết quả, hỗ trợ 330 lượt doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia trực tiếp các sự kiện XTTM trong và ngoài nước.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh
Bên cạnh đó, có 44 lượt DN tham gia 16 sự kiện XTTM không sử dụng ngân sách nhà nước; hơn 200 lượt DN tham gia trưng bày các sản phẩm tại các sự kiện; triển khai hỗ trợ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP.Tân An và huyện Tân Thạnh; hỗ trợ 70 cơ sở, DN đăng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản vùng, miền,... lên Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh;…
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, năm 2024, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia trên địa bàn tỉnh; triển khai Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tham mưu UBND tỉnh nội dung liên quan việc nhập khẩu mặt hàng lúa từ Campuchia qua cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại các nước, địa phương biên giới để thông tin đến DN về tình hình thị trường, chính sách, pháp luật của các nước,... Đặc biệt, Sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị kết nối, giao thương xúc tiến xuất khẩu Long An năm 2024.
Bên cạnh đó, các hoạt động TMĐT cũng được đẩy mạnh thông qua tuyên truyền, hỗ trợ DN, hợp tác xã ứng dụng thương mại số, kết nối các sàn TMĐT bước đầu khá tốt.
Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh Long An (https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn), triển khai cho các DN, hợp tác xã, đơn vị liên quan tham gia. Đến nay, có 23 DN đăng ký, xác nhận mã cho 47 sản phẩm, 3 lô sản xuất, với 6.401 lần quét mã sản phẩm. Sàn TMĐT tỉnh Long An (http://longantrade.com/) cũng được triển khai đến các DN, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương (https://sanviet.vn/).
“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đoàn thể xã hội và các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết của ND về việc đưa nông sản lên sàn TMĐT để thu hút sự quan tâm của các hộ ND; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ ND đưa nông sản lên sàn TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ND sản xuất sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm hay GAP để đáp ứng yêu cầu của thị trường” - bà Châu Thị Lệ cho biết thêm./.
Nhằm hỗ trợ ND tiêu thụ nông sản hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, Trung tâm phối hợp các địa phương xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Một điểm tại TP.Tân An và 1 điểm tại huyện Tân Thạnh với kinh phí 450 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Phạm Văn Phong
Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND giúp các HVND trên địa bàn xã có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế. Trong đó, một số mô hình như trồng mít, nuôi bò, làm nhang,... đạt hiệu quả kinh tế, giúp HVND có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Quốc Thuận
Quỹ Hỗ trợ ND huyện Cần Đước hỗ trợ gia đình tôi vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Tôi mua giống, hệ thống tưới, phân bón để sản xuất các loại rau màu như dưa leo, bầu, bí, khổ qua,... Trung bình mỗi năm, tôi sản xuất từ 3-4 vụ, lợi nhuận mỗi vụ từ 40-70 triệu đồng”.
Ông Huỳnh Văn Hữu Hiệp (xã Long Cang, huyện Cần Đước)
|
Bùi Tùng