Ông Nguyễn Văn Tươi (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) làm giàu từ trồng chanh không hạt
Học cách làm giàu khi tham gia công tác Hội
Là bộ đội xuất ngũ về địa phương và tham gia công tác tại Hội CCB xã, ông Nguyễn Văn Tươi (SN 1973, ngụ ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có cơ hội đi tham quan, học tập các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả tại một số địa phương. Sau đó, ông vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm học được trong chuyến tham quan thực tế, mạnh dạn chuyển từ trồng mía sang chanh không hạt.
Trước đây, trên diện tích 4ha đất của gia đình, ông Tươi chủ yếu trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao, giá bán bấp bênh. Sau khi tham quan và học hỏi một số mô hình trồng trọt có hiệu quả trong tỉnh, ông Tươi nhận thấy cây chanh phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, dễ trồng, giá bán lại ổn định nên quyết định chuyển từ trồng mía sang chanh.
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ông ký hợp đồng với Công ty (Cty) Chanh Hà Lan (có trụ sở tại TP.Cần Thơ) xuất khẩu chanh sang thị trường châu Âu. Cty cử cán bộ đến hướng dẫn về kỹ thuật, cách sử dụng phân bón và thăm đồng. Việc hợp đồng với Cty Chanh Hà Lan phải tuân thủ tiêu chuẩn nên so với trồng tự do, giá bán chanh cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.
Ông Tươi cho biết, từ lúc bắt đầu trồng chanh cho đến khi thu hoạch khoảng 2 năm. Hiện tại, trên 4ha đất trồng chanh, mỗi hécta có khoảng 400-500 gốc. Cứ 10 ngày, ông thu hoạch chanh một lần. Giá chanh thời điểm này khá cao, khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Bình quân sau khi trừ các chi phí, ông có lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Nhờ cây chanh, mỗi năm, ông có thể tích lũy vài trăm triệu đồng. Nguồn thu nhập từ trồng chanh giúp ông mua thêm 2ha đất ruộng.
Chủ tịch Hội CCB xã Bình Đức - Lê Văn Tư cho biết: “Ông Lê Văn Tươi là CCB nhiều năm liền đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện và tỉnh.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực góp kinh phí làm đường và xây cầu giao thông ở địa phương. Đồng thời, ông cũng nhiệt tình tham gia vận động người dân ủng hộ kinh phí và ngày công lao động thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương”.
Làm giàu cho bản thân và chia sẻ với cộng đồng
Ông Phan Văn Tuấn (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) chăm sóc vườn mai vàng
Năm 1981, ông Phan Văn Tuấn (SN 1963, ngụ xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) nộp đơn tình nguyện và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Ông được phân công về Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Đức Hòa. Năm 1982, ông được cử tham gia khóa học hạ sĩ quan 3 tháng tại Trường Quân sự tỉnh và tham gia khóa học sĩ quan 10 tháng của Quân khu 7 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Năm 1983, sau khi hoàn thành khóa học, ông là thiếu úy và được phân công giữ chức vụ Trợ lý tham mưu của Ban CHQS huyện Đức Hòa. Cuối năm 1987, ông phục viên về địa phương với quân hàm Thượng úy.
Được hưởng chính sách một lần dành cho quân nhân phục viên, ông mua 0,5ha đất nhiễm phèn tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ để trồng mía. Do ảnh hưởng thời tiết, cây mía bị sâu ăn; đồng thời, lũ lụt tràn về ngập úng nên thất trắng. Nhiều năm liền, trồng mía không đạt hiệu quả nên ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Ông phải đi làm thuê để lo cho cuộc sống gia đình.
Thất bại với cây mía, năm 2011, ông Tuấn quyết tâm chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để gia đình thoát khỏi cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Từ đó, ông tìm tòi, học hỏi và chuyển sang trồng mai vàng trên diện tích 0,5ha đất. Để trồng mai đạt hiệu quả cao, ông không ngại đường xa, đến TP.HCM tham gia các lớp tập huấn để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các kỹ sư nông nghiệp.
Thấy trồng mai hiệu quả, ông mạnh dạn đầu tư vốn sẵn có và vay thêm ngân hàng để mở rộng lên 2ha mai, trồng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2019, ông có hơn 12ha mai vàng. Ngoài ra, ông còn có 2ha chanh không hạt và các loại cây trồng khác như măng, ổi, dừa,... mang lại thu nhập khá.
Ngoài cung cấp mai ngày tết, ông còn ươm cây mai giống để cung cấp cho người dân khi có nhu cầu trồng mai. Vườn mai của ông góp phần tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng.
Khi Nhà nước có chủ trương phát triển khu công nghiệp, vườn mai của ông nằm trong quy hoạch nên hiện tại, ông chỉ còn khoảng 6ha mai. Với diện tích trồng mai này, hàng năm, trừ các chi phí, ông có lợi nhuận từ 2-2,5 tỉ đồng.
Thời gian tới, ông Tuấn dự định mở rộng thêm diện tích trồng mai, chanh không hạt, ổi ở xã Thạnh Lợi, Lương Bình (huyện Bến Lức) để làm giàu cho bản thân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, được tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân đội, ông Tuấn luôn gương mẫu, đi đầu đóng góp thực hiện các phong trào của địa phương như làm cầu, đường giao thông ở ấp, xây tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa ở xã Hựu Thạnh, Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa.
Bên cạnh đó, ông cũng vận động các nhà hảo tâm, bạn bè thân hữu trong và ngoài tỉnh tặng hàng ngàn phần quà cho gia đình chính sách, người neo đơn và trẻ em nghèo hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,...
Ông Tuấn cho biết: “Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng nên thấy ai gặp khó khăn, tôi không làm ngơ được. Một mình tôi thì không thể làm hết mọi việc nên vận động bạn bè, người quen cùng tham gia. Làm công tác xã hội, muốn có kết quả thì phải kiên trì và không tự ái thì mới làm tốt được”./.
An Thuận