Tuy gần 90 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Án vẫn hăng say lao động, sản xuất
“Tuổi cao chí càng cao”
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày, ông Nguyễn Văn Án, 87 tuổi (ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), vẫn ra đồng như nhiều nông dân khác. “Còn sống là còn làm việc để giúp ích cho đời, không nên làm gánh nặng cho con cháu” - ông Nguyễn Văn Án chia sẻ.
Đã từ rất lâu, ông trăn trở làm thế nào để người dân nơi đây có con đường để đi, con cháu có thể đến trường mà không còn chịu cảnh sình lầy và khỏi phải qua những chiếc cầu khỉ gập ghềnh. Với ước muốn ấy, thời gian qua, ông vận động người dân xây dựng và sửa chữa hơn 10 cây cầu bắc qua các tuyến kênh, rải đá xanh hàng trăm mét đường giao thông nông thôn Bà Lộc, với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Điển hình như cầu giao thông nông thôn Mương Máng, cầu Bà Lộc nối liền giữa ấp 3 và ấp 4, cầu Thủy Tân bắc qua kênh Rạch Bần.
Đặc biệt, năm 2016, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn cặp sông Vàm Cỏ Tây và đường giao thông nông thôn Rạch Bần, gia đình ông hiến gần 5.000m2 đất để thực hiện. Ông Nguyễn Văn Án bộc bạch: “Làm cầu, đường trước tiên là để cho con cháu, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, không phải đi bằng xuồng như trước nữa. Muốn vậy, tôi phải là đầu tàu gương mẫu, người dân mới làm theo”.
Những việc làm của ông Án tưởng chừng như đơn giản nhưng mang ý nghĩa thiết thực và thật không dễ thấy ở người nông dân đã gần 90 tuổi, đúng với câu “Tuổi cao chí càng cao”. Từ năm 2012 đến nay, ông được UBND tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích tốt trong thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Vừa qua, ông được UBND huyện Thạnh Hóa biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Cựu chiến binh Lê Văn Như vượt khó, làm giàu chính đáng
Cựu Chiến binh vượt khó làm giàu
Đó là ông Lê Văn Như (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức). Ông từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Sau khi xuất ngũ, ông lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Với sự kiên trì, nhạy bén trong chăn nuôi và kinh doanh, ông xây dựng cơ ngơi khang trang và là mạnh thường quân được nhiều người biết đến.
Ông Như tâm sự: “Trước đây, bà xã tôi làm công tác dân số, còn tôi thì làm ủy nhiệm thu của UBND xã Mỹ Yên. Khi ấy, đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi mua chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại phải trả góp hàng tháng. Để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, tôi tận dụng thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ làm dịch vụ trang trí nội thất. Sau khi dành dụm được một ít vốn, tôi bắt đầu chuyển sang mua bán bò và chăn nuôi bò vỗ béo”.
Thấy dịch bệnh trên gia súc xuất hiện, ông dừng kinh doanh và chăn nuôi bò, chuyển sang kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và mở trang trại chăn nuôi gà gia công. Do nắm bắt thị trường và nhạy bén trong chăn nuôi, kinh doanh nên gia đình ông vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ vượt khó phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2000-2006, ông được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã; năm 2006-2012 ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa luôn được gia đình ông chú trọng thực hiện. Hai người con trai của ông đều được học hành đến nơi, đến chốn; có công việc ổn định và rất ngoan hiền, hiếu thảo. Ngoài tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, hàng năm, ông còn đi đầu trong việc đóng góp kinh phí xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, các loại quỹ như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, Vì người nghèo,... Đặc biệt, ông còn là tấm gương từ thiện được nhiều người biết đến. Với ông, làm từ thiện chính là “liều thuốc” giúp cải thiện sức khỏe, tinh thần. Vì vậy, khi ra đường gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào là ông sẵn sàng giúp đỡ mà không cần phải suy nghĩ, so đo hay toan tính.
Chị Lê Thị Điền (bìa trái) luôn tận tụy với nghề đã chọn
Gắn bó bằng cái "Tâm"
Khi đến ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, hỏi về chị Lê Thị Điền thì ai cũng biết. Chị được người dân khen ngợi, quý mến bởi sự nhiệt tình, gần gũi, gắn bó với người dân.
Hơn 9 năm với công tác dân số cũng là ngần ấy thời gian chị không quản ngại khó khăn, gắn bó với nghề bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết của mình. Địa bàn chị quản lý có 97 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Là xã vùng sâu, trình độ dân trí thấp nên chị càng phải tích cực đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động các thành viên trong gia đình từ vợ chồng trẻ đến ông bà, cha mẹ về lợi ích của việc sinh ít con.
Chị Điền cho biết: “Ấp 1 hiện còn 20 hộ gia đình ở bên sông nên tôi phải bơi xuồng đến các hộ gia đình này để tuyên truyền, vận động. Trong công tác truyền thông, tôi chú trọng những hộ ít được tiếp cận thông tin và hộ sinh đủ 2 con một bề. Qua đó, giúp họ thực hiện tốt các công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp”.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được tổ chức mỗi năm 2 đợt giúp chị em tầm soát sớm bệnh và điều trị kịp thời. Vì vậy, chị tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia. Nếu chị em không đi được thì đến tận nhà để rước đến điểm khám; phụ nữ có con nhỏ theo thì chị phụ trông giữ khi chị em đang thăm khám. Trước mỗi chiến dịch, chị kiên trì vận động, khéo léo phân tích tầm quan trọng của chiến dịch nên chị em tham gia ngày càng nhiều.
Phụ cấp mỗi tháng cho cộng tác viên dân số không nhiều nhưng những việc “không tên” lại chiếm khá nhiều thời gian, nhất là công tác tuyên truyền, vận động cần thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Thế nhưng, chưa lúc nào chị cảm thấy nản lòng. Với chị Điền, mỗi ngày được gắn bó với công việc mình chọn chính là niềm vui. Thuyết phục được người dân sinh đủ 2 con, các con học hành đến nơi, đến chốn và xây dựng gia đình hạnh phúc chính là động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề.
Đi đôi với công tác dân số, chị còn thành lập Tổ đan lục bình được hơn 2 năm nay, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho khoảng 30 chị em trên địa bàn. Đặc biệt, chị hiện là nữ đại biểu dân cử được người dân mến phục, tin yêu. Với vai trò của mình, chị thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đề đạt lên cấp trên kịp thời.
Ông Án, ông Như và chị Điền là những tấm gương sáng tiêu biểu trong hàng trăm tấm gương thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Câu chuyện về những việc làm thiết thực, vươn lên trong cuộc sống, tích cực với công tác thiện nguyện của họ mang đậm tính nhân văn sâu sắc, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn./.
Ngọc Mận