Tiếng Việt | English

26/03/2024 - 09:11

Khởi sắc ở Làng nghề trồng mai xã Tân Tây

Không chỉ thành lập mô hình dịch vụ du lịch mà hiện nay, Hợp tác xã (HTX) Mai vàng Tân Tây cũng được thành lập. Đây là tín hiệu vui, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa có diện tích hơn 400ha, được xem là vùng mai nguyên liệu của các nghệ nhân, thương lái khắp cả nước

Liên kết sản xuất

HTX Mai vàng Tân Tây bước đầu thành lập có 31 thành viên tham gia, vốn điều lệ 400 triệu đồng, diện tích sản xuất 40ha. HTX mua, bán các loại mai thành phẩm, mai bon sai; cung ứng mai giống; cung cấp dịch vụ vận chuyển mai và phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp.

HTX được thành lập nhằm liên kết sản xuất, tạo mối quan hệ trong kinh doanh, sản xuất giữa các thành viên; chủ động liên kết với công ty, doanh nghiệp để tổ chức tốt việc cung ứng dịch vụ của HTX; đồng thời, làm “cầu nối” chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX tranh thủ sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương và huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Ông Phạm Văn Từ - thành viên HTX Mai vàng Tân Tây, bày tỏ: “Hy vọng HTX thành lập sẽ giải quyết đầu ra sản phẩm ổn định, hạn chế bị thương lái ép giá; tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và lao động tại địa phương”.

Toàn huyện có hơn 770ha mai vàng. Trong đó, xã Tân Tây hơn 500ha, diện tích trong Làng nghề trồng mai xã Tân Tây là hơn 400ha, được xem là vùng mai nguyên liệu của các nghệ nhân, thương lái khắp cả nước. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, tất cả hộ dân trong Làng nghề trồng mai đều được học lớp trồng, chăm sóc cây kiểng, góp phần phát triển nghề trồng mai và nâng cao thu nhập.

Giám đốc HTX Mai vàng Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Hàng năm, nghệ nhân, thương lái ở các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Bắc,... đến đây mua cây mai vàng. Nhờ đó, đời sống người dân trở nên sung túc hơn, góp phần đưa Tân Tây trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Thạnh Hóa”.

Mô hình dịch vụ du lịch - điểm đến lý tưởng

Ra mắt Mô hình dịch vụ du lịch Làng mai Tân Tây “Ba Thủy Trăm Điều Mai”

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được UBND tỉnh quyết định công nhận từ tháng 7/2020. Tháng 9/2023, UBND tỉnh tiếp tục quyết định công nhận Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030. Hiện nay, UBND huyện và UBND xã triển khai kế hoạch thực hiện đề án này.

Theo đó, phấn đấu xây dựng các điểm du lịch nông thôn, đến năm 2025 có ít nhất 10 hộ và đến năm 2030 có ít nhất 20 hộ tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch tại làng nghề với các dịch vụ như lưu trú, câu cá, làm mai kiểng, đờn ca tài tử, ăn uống, xe, xuồng chở khách, chụp ảnh,...

Tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế được công nhận Làng nghề trồng mai, phát triển du lịch nông thôn tại làng nghề theo định hướng của địa phương gắn với phát triển nông thôn mới, gia đình ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4, xã Tân Tây) đã xây dựng mô hình dịch vụ du lịch Làng mai Tân Tây “Ba Thủy Trăm Điều Mai”.

Đây là mô hình dịch vụ du lịch đầu tiên tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sinh thái thiên nhiên hiện hữu, phát triển nông nghiệp - nông thôn, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong làng nghề.

Cùng với tham quan trải nghiệm, tìm hiểu Làng nghề trồng mai, du khách sẽ có nơi dừng chân khá lý tưởng, thư giãn với hoạt động câu cá, chụp ảnh, văn nghệ và thưởng thức các món ăn đồng quê, mộc mạc tại Ba Thủy Trăm Điều Mai.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Mai vàng Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn cho biết: “Ba Thủy Trăm Điều Mai là mô hình dịch vụ du lịch đầu tiên tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây. Khi mới ra mắt, địa điểm này thu hút sự quan tâm của khá nhiều lượt khách trong và ngoài địa phương. Đây là dấu hiệu khởi đầu khá thuận lợi, hứa hẹn mang đến thành công của mô hình trong thời gian tới, từ đó tiếp tục nhân rộng, phát triển thêm các dịch vụ du lịch nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân”.

HTX và mô hình dịch vụ du lịch được hình thành tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây tạo ra chuỗi liên kết sản xuất. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng, mang đặc sắc miền Tây và thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm./.

Ngọc Mận - Ngọc Như

Chia sẻ bài viết