TP.Tân An đang trên đường phát triển đô thị, xen lẫn những công trình hiện đại là các công viên, bờ kè thoáng mát
Những đô thị mới
Chiều, sau khi tan sở, chị Nguyễn Thị Thu Hà cùng đứa con gái nhỏ tản bộ, hóng mát tại công viên Ao Quan (phường 1, TP.Tân An). Đây là thói quen thường ngày của gia đình chị. Chị nói: “Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập, không khó để tìm những chốn bình yên trong lòng thành phố! Gần đây, một số công viên được lắp đặt dụng cụ thể dục ngoài trời, thu hút nhiều người đến vui chơi, tập luyện”.
TP.Tân An đang trên đường phát triển đô thị, nhiều tuyến đường văn minh, những tòa nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại, khu dân cư, nhiều công trình hạ tầng giao thông,... tạo điểm nhấn cho thành phố trẻ. Xen lẫn những công trình hiện đại là các công viên, bờ kè thoáng mát với nhiều cây xanh, tạo mảng xanh cho thành phố.
Kiến Tường là thị xã năng động, phát triển, xứng tầm là trung tâm đô thị vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, thị xã khai thác các tiềm năng theo định hướng cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng tuyến phòng thủ biên giới vững mạnh, củng cố và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho toàn vùng.
Những năm qua, tập trung cho phát triển đô thị, thị xã nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm: Khu trung tâm thương mại, bờ kè, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, hệ thống đường giao thông,... Nhờ đó, thị xã cơ bản đạt khoảng 85% tiêu chí (TC), phấn đấu đến năm 2020, thị xã trở thành đô thị loại III. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những TC liên quan đến dân số (DS) (tỷ lệ tăng DS hàng năm, DS toàn đô thị, DS nội thị, mật độ DS toàn đô thị).
Đường giao thông tại đô thị Kiến Tường được xây dựng khang trang
Bến Lức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nên có điều kiện thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, đô thị. Phát triển đô thị mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Vì vậy, mọi người ý thức hơn, cùng với chính quyền xây dựng đô thị. Đó là giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường thông qua xây dựng những tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, những câu lạc bộ tình nguyện nhặt rác,...
“Thị trấn Bến Lức hôm nay khá sầm uất! Nhiều tuyến đường trung tâm, các cửa hàng tiện ích hoạt động tấp nập về đêm không khác những đô thị lớn. Khu dân cư, trường học, thương mại - dịch vụ phát triển. Đường giao thông mở rộng, nâng cấp với hệ thống chiếu sáng tương đối hoàn chỉnh” - ông Nguyễn Văn Năm - người dân địa phương, vui mừng nói.
Theo UBND huyện Bến Lức, việc huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm, bộ mặt nông thôn lẫn đô thị có nhiều khởi sắc. Từ năm 2010 đến nay, tổng số vốn đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị khoảng 1.600 tỉ đồng. Thị trấn được công nhận đô thị loại IV vào năm 2010; phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020.
Ngoài ra, huyện tập trung nâng chất các TC đạt thấp; chỉnh trang khu vực thị trấn theo hướng văn minh, giữ gìn, tôn tạo các công trình văn hóa, hình thành khu trung tâm văn hóa - thông tin, khu dân cư,... phấn đấu đến năm 2020, khu vực Gò Đen được công nhận đô thị loại V.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị tại Bến Lức còn một số khó khăn: Quy hoạch thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tiến độ lấp đầy khu dân cư còn chậm,...
Khu dân cưtại thị trấn Bến Lức
Huy động nguồn lực
Bí thư Thành ủy Tân An - Trần Kim Lân thông tin, từ năm 2016 đến nay, thành phố huy động vốn từ ngân sách, nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 3.600 tỉ đồng. Đến nay, thành phố có 51/59 chỉ tiêu đạt chuẩn đô thị loại II. Theo đánh giá của Đề án Phân loại đô thị, TP.Tân An đạt 83,38/100 điểm. Tân An còn 8 chỉ tiêu chưa đạt để lên đô thị loại II: DS toàn đô thị; diện tích sàn nhà bình quân cho khu vực nội thị; đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị; cơ sở giáo dục, đào tạo; mật độ đường trong khu vực nội thị; diện tích đất giao thông/DS nội thị; mật độ đường cống thoát nước chính khu vực nội thị; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số tuyến đường chính khu vực nội thị.
Khó khăn của thành phố chính là ngân sách địa phương hạn chế nên việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung là vấn đề nan giải.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh phù hợp lộ trình phát triển đô thị toàn quốc, gắn với sự phát triển KT-XH địa phương. Tỉnh đang trên đà phát triển, kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, tốc độ phát triển đô thị của tỉnh còn chậm so với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho chương trình rất lớn trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, các đô thị trong tỉnh cần tập trung huy động nguồn lực, các địa phương quan tâm, rà soát, đối chiếu với các TC, tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập trung triển thực hiện chương trình, dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn.
Trong đó, đầu tư phải bám sát hiện trạng đô thị và phải đồng bộ, có trọng tâm vào các tiêu chuẩn, TC chưa đạt nhằm bảo đảm các điều kiện để các TC tối thiểu phải đạt, khi thẩm định phê duyệt đề án nâng loại đô thị không vướng điểm liệt.
Ngoài ra, các đơn vị cần nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp; tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận cho các nhà đầu tư, vận hành khai thác các công trình hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án nhằm đào tạo lao động; lập và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn, các điểm tập trung dân cư, các khu vực có khả năng phát triển hoặc có khả năng kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch,..../.
Hiện nay, Long An có 18 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại III (TP.Tân An), 6 đô thị loại IV (thị xã Kiến Tường; các thị trấn: Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa) và 11 đô thị loại V.
Giai đoạn 2018-2020, tổng số đô thị trong toàn tỉnh là 22. Trong đó, thành lập mới 5 đô thị và nâng cấp 12 đô thị gồm 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa), 10 đô thị loại IV (Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tầm Vu, Tân Trụ) và 8 đô thị loại V (Hưng Điền B, huyện Tân Hưng; Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa; Đông Thành, huyện Đức Huệ; Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa; Gò Đen thuộc Bến Lức; Rạch Kiến thuộc Cần Đước; Đông Hòa và Long Đức Đông thuộc Cần Giuộc). Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ có 25 đô thị và năm 2030 sẽ là 29 đô thị.
Nguồn vốn dự kiến cho chương trình giai đoạn 2018-2020 hơn 16.400 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 hơn 21.500 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 11.800 tỉ đồng.
|
Nguyệt Nhi