Tiếng Việt | English

19/10/2016 - 10:34

Khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tân Hưng, tỉnh Long An khởi đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu.Tuy nhiên, từ chương trình này, bao điều kỳ diệu đã đến với vùng đất Tân Hưng!


Hiện huyện có 63 trạm bơm điện

Đến nay, huyện có 2 xã: Hưng Thạnh và Vĩnh Thạnh về đích xã NTM; các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2015 trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 3%, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 83%, sử dụng điện đạt trên 98%,... Ngoài ra, chỉ mấy năm trước, việc đi lại ở Tân Hưng gặp rất nhiều khó khăn bởi đường sá nhỏ hẹp và thường chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy. Nhưng đến nay, 11 xã ở huyện có đường ôtô đến trung tâm xã.

Hiện đường giao thông từ trung tâm xã đến ấp được xây dựng hoàn thành cơ bản phần nền. Một số đường chính như: Đường tỉnh 831 đi Thạnh Hưng, Vĩnh Lợi, lộ Gò Pháo - Trâm Dồ, xã Hưng Điền B,... được trải đá. Đường tỉnh 831 đi qua xã Vĩnh Châu B, nối liền với xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp và đường từ thị trấn Tân Hưng về Hưng Thạnh được đầu tư mở rộng và tráng nhựa.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đầu tư nhiều công trình đê bao, thủy lợi. Bình quân mỗi năm gần đây, trên địa bàn huyện có hơn chục công trình thủy lợi được nạo vét, đầu tư mở rộng. Trong đó, phải kể đến các tuyến kênh T1B (Thạnh Hưng và Hưng Thạnh), kênh Đồng Vàng (Vĩnh Đại), kênh Gò Thuyền (Vĩnh Thạnh - Vĩnh Châu B), kênh Đìa Việt (Hưng Thạnh), kênh Cái Bát Cũ (Hưng Điền và Hưng Điền B),...

Trong phát triển nông nghiệp, huyện quan tâm phát triển các vùng lúa chất lượng cao, đầu tư xây dựng hệ thống đê bao; đặc biệt, những năm gần đây, mạng lưới trạm bơm điện phát triển rất nhanh chóng. Hiện, huyện có 63 trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu cho hơn 12.000ha. Trạm bơm điện góp phần giảm chi phí và giúp nông dân chủ động trong sản xuất.

Để có được kết quả ấy, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương thì người dân phát huy tốt vai trò chủ thể. Theo thống kê, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, người dân ở huyện đóng góp trên 210 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Như tiêu chí giao thông, dù có sự thay đổi vượt bậc nhưng đến nay, vẫn còn 9/11 xã chưa đạt. Có 6 xã chưa đạt tiêu chí trường học, 8 xã chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 6 xã chưa đạt tiêu chí chợ, 10 xã chưa đạt tiêu chí nhà ở dân cư.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Trần Tấn Tài cho biết: “Những tiêu chí khó này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn”. Cũng theo ông Tài, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước khi thực hiện đầu tư thực hiện các công trình phải xem xét tính thiết thực, hiệu quả để tránh đầu tư dàn trải, hình thức, lãng phí; đồng thời, phát huy sự đóng góp tự nguyện của người dân,... Từ những giải pháp đưa ra, huyện quyết tâm giữ vững và nâng chất những tiêu chí đã đạt, với mục tiêu làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết