Đối tượng Đào Đức Hạnh bị bắt trong tháng 3/2023
Cụ thể, ngày 04/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm dạy nghề Hàng Giang, ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An. Đồng thời, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Đào Đức Hạnh (52 tuổi), ngụ khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Thời điểm đó Hạnh là Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hàng Giang.
Sau bắt Hạnh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh mở rộng điều tra vụ án và đến nay tiếp tục khởi tố thêm 8 bị can.
Trong đó, 3 bị can Phạm Xuân Hải (39 tuổi), Hoàng Tiến Vũ (45 tuổi, là anh vợ bị can Hạnh) cùng ngụ TP.HCM và Mai Hoài Tiên (34 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ Luật Hình sự với vai trò giúp sức cho bị can Hạnh.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Phạm Xuân Hải từng được bị can Hạnh phân công làm Tổ trưởng Tổ điều khiển phương tiện thủy nội địa tại Trung tâm dạy nghề Hàng Giang. Nhiệm vụ của Hải là tiếp nhận thông tin của người cần được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề gồm: Ảnh chân dung, bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân do các đối tượng đầu mối cung cấp. Hải cùng với bị can Đào Đức Hạnh và Hoàng Tiến Vũ lập khống hồ sơ cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Mỗi tháng Hải được bị can Hạnh trả lương từ 7 đến 12 triệu đồng.
Bị can trong vụ án
Còn Hoàng Tiến Vũ từng được bị can Hạnh phân công làm Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm dạy nghề Hàng Giang. Theo đó, Vũ cùng với bị can Hạnh và Phạm Xuân Hải lập khống hồ sơ cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Mỗi tháng Vũ được bị can Hạnh trả lương từ 15 đến 20 triệu đồng.
Mai Hoài Tiên vào làm tại Trung tâm dạy nghề Hàng Giang từ tháng 10/2022. Tiên được bị can Hạnh phân công làm Phó trưởng phòng Đào tạo. Tiên cùng với Phạm Xuân Hải và Hoàng Tiến Vũ lập hồ sơ xét cấp 96 chứng chỉ thợ máy, thủy thủ và 166 chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản. Tiên được bị can Hạnh trả lương mỗi tháng 11 triệu đồng.
Kết quả điều tra xác định, các đối tượng Hải, Tiên và Vũ biết rõ Trung tâm dạy nghề Hàng Giang không thực hiện việc đào tạo nghề; đồng thời, biết rõ việc bị can Hạnh (khi đó là Giám đốc) nhận tiền để cấp chứng chỉ nghề cho người có nhu cầu, dùng chứng chỉ sơ cấp nghề được cấp để làm hồ sơ thi lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng 3 và các chứng chỉ chuyên môn khác.
Bên cạnh khởi tố 4 đối tượng trên về tội nhận hối lộ thì có 5 bị can bị khởi tố về tội đưa hối lộ cho bị can Hạnh (thời điểm đó làm Giám đốc).
Cụ thể, bị can Trần Thanh Long (44 tuổi), thường trú tỉnh An Giang (nghề nghiệp buôn bán) đưa tiền để bị can Hạnh cấp khống 1.567 chứng chỉ sơ cấp nghề (tạm giam).
Trần Thị Kim Cúc (38 tuổi), thường trú TP.HCM (nguyên giáo viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy 2) đưa tiền hối lộ để bị can Hạnh cấp khống 525 chứng chỉ sơ cấp nghề.
Bị can trong vụ án
Trần Thị Hồng Xuyến (35 tuổi), thường trú TP.Hồ Chí Minh (làm kinh doanh phô tô copy tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy 2) đưa tiền để bị can Hạnh cấp khống 361 chứng chỉ sơ cấp nghề (tại ngoại)
Nguyễn Văn Hồ (53 tuổi), ngụ tỉnh Tiền Giang (làm vườn) đưa tiền để bị can Hạnh cấp khống 328 chứng chỉ sơ cấp nghề (tại ngoại)
Trần Thanh Hiền (54 tuổi), thường trú tỉnh Tiền Giang (nghề nghiệp buôn bán) đưa tiền để bị can Hạnh cấp khống 273 chứng chỉ sơ cấp nghề (tại ngoại)
Các đối tượng Long, Cúc, Xuyến, Hồ, Hiền đưa tiền cho bị can Hạnh nhằm mục đích được Hạnh cấp chứng chỉ nghề cho những người có nhu cầu nhưng không qua đào tạo theo thông tin do các đối tượng này cung cấp.
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Trung tâm dạy nghề Hàng Giang thành lập năm 2014, được giao đào tạo sơ cấp nghề bậc 1,2,3 các nghề thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy nội, xét cấp chứng chỉ chuyên môn và bồi dưỡng thi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An tổ chức.
Theo quy định, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề bậc 1 người học phải tham gia học tối thiểu 5 tín chỉ, với số mô – đun đào tạo tối thiểu là 3 mô – đun và thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ; chứng chỉ nghề bậc 3 phải tham gia học tối thiểu 25 tín chỉ, với số mô – đun đào tạo tối thiểu là 15 mô – đun.
Sau khi được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề thuyền trưởng, máy trưởng và hoàn thành thời gian tập sự đủ 6 tháng trở lên thì được dự thi để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên thuyền trưởng, máy trưởng hạng 3 mà không phải dự học chương trình tương ứng.
Một bị can bị khởi tố
Lợi dụng quyền hạn là Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hàng Giang từ năm 2019 đến đầu năm 2023, bị can Đào Đức Hạnh không tiến hành chiêu sinh đào tạo nghề theo quy định mà nhận tiền từ các đối tượng trung gian bên ngoài sau đó, Hạnh chỉ đạo cho Phạm Xuân Hải, Hoàng Tiến Vũ, Mai Hoài Tiên làm khống hồ sơ học, hồ sơ xét cấp chứng nhận sơ cấp nghề cấp khống hơn 3.000 chứng chỉ sơ cấp nghề các loại cho các cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với giá từ 1,5 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/chứng chỉ.
Sau đó dùng chứng chỉ sơ cấp nghề này để làm hồ sơ xét cấp Chứng chỉ chuyên môn thủy thủ, thợ máy, huấn luyện an toàn cơ bản (các chứng chỉ này do Trung tâm dạy nghề Hàng Giang cấp) và làm hồ sơ dự thi để được cấp chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng./.
Lê Đức