Tiếng Việt | English

29/09/2015 - 14:43

Không phân biệt giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi

Trong những năm gần đây, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao. Trước thực trạng trên, các chuyên gia về dân số đã dự báo, trong vòng 15 - 20 năm nữa, khoảng 4 triệu thanh niên khó có cơ hội lấy vợ trong nước.


Tình trạng mất cần bằng giới tính khi sinh ngày càng có xu hướng gia tăng

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS)

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là số trẻ em trai sinh ra còn sống so với 100 trẻ em gái sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 1 năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh. Bình thường tỷ số này là 105 nam/ 100 nữ (dao động từ 103-107 nam/100 nữ). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. MCBGTKS xảy ra khi trẻ em nam sinh ra còn sống lớn hơn 108 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ sinh ra còn sống.

Trong những năm gần đây, Long An cũng như một số tỉnh, thành khác, TSGTKS đã có xu hướng gia tăng và vượt cao hơn tỷ lệ cho phép. Theo đó, TSGTKS năm 2009 là 109 nam/100 nữ; 114 nam/100 nữ (năm 2011); 109 nam/100 nữ (năm 2012); 107 nam/100 nữ (năm 2013) và 109 nam/100 nữ (năm 2014). Những số liệu trên đã báo động rằng TSGTKS của Long An đã bắt đầu vượt ngưỡng, cần được quan tâm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Và những hệ lụy

Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS.Đầu tiên là tâm lý thích con trai với suy nghĩ con gái sau khi lấy chồng sẽ không còn chăm sóc cha mẹ khi già yếu. Cho nên với những gia đình tài chính không bảo đảm, không có lương hưu thường mong muốn có con trai để đỡ đần. Nguyên nhân thứ hai là nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, các cặp vợ chồng có thể tìm đến những dịch vụ y tế có khả năng chọn lọc giới tính. Thứ ba, do áp lực sinh từ 1-2 con, các cặp vợ chồng thường mong muốn nhất thiết phải có một con trai để “nối dõi”.

Việc MCBGTKS đã được tổ chức UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc) cảnh báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học.

Đầu tiên, tâm lý và sức khỏe của người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi bị sức ép phải có con trai dẫn đến tình trạng nạo phá thai. Về lâu dài, việc khan hiếm phụ nữ trong tương lai sẽ dẫn đến hệ lụy rất nhiều nam giới có thể không lấy được vợ hoặc khó khăn trong việc tìm vợ.

Tình trạng nam nhiều, nữ ít không những không cải thiện được vị thế của phụ nữ mà còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ kết hôn sớm, tăng tỷ lệ ly hôn, tái hôn hay tình trạng bạo hành giới. Đặc biệt, những vấn đề nghiêm trọng hơn như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ hay các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục không được đáp ứng cũng sẽ gia tăng,…

Giải pháp thời gian tới 

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Trần Thị Liễu, trước tình hình gia tăng MCBGTKS, chi cục đã tham mưu Sở Y tế, trình Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh phát động Chiến dịch Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS năm 2015.

Chiến dịch này sẽ tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và MCBGTKS cho người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai về thực hiện quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, đề xuất xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm thực hiện các quy định về giới và giới tính khi sinh của pháp luật.

Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền các cấp sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung phối hợp triển khai các giải pháp nhằm can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể...

Với sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân, tình trạng MCBGTKS sẽ sớm được can thiệp, từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


ago dad Các dấu hiệu mang thai dauhieumangthai.vn