Tiếng Việt | English

19/07/2023 - 08:52

Kiến Tường phát triển kinh tế nhờ trồng rau thủy canh

Sau thời gian tự tìm hiểu, học hỏi thông qua sách, báo, mạng xã hội, năm 2019, anh Lê Văn Chinh (SN 1972, ngụ ấp Cả Gừa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng trên diện tích canh tác 300m2 để thực hiện mô hình Aquaponics.

Với mô hình Aquaponics, việc trồng rau sẽ không cần đất hay phân bón mà rau lấy chất dinh dưỡng trong nước nuôi cá để sinh trưởng và phát triển tốt hơn

Aquaponics là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh trồng rau sạch. Hệ thống thủy canh này diễn ra trong môi trường tự nhiên khép kín với sự tham gia của các hệ sinh vật. Ở mô hình này, việc trồng rau sẽ không cần đất hay phân bón mà rau lấy chất dinh dưỡng trong nước nuôi cá để sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Đồng thời, môi trường nuôi cá cũng sẽ được làm sạch nhờ vào việc trồng rau, giúp cá phát triển tốt.

Cụ thể, mô hình Aquaponics hoạt động dựa vào sự cộng sinh của 3 yếu tố đó là cá, thực vật (rau) và vi sinh vật. Thức ăn cho cá là đầu vào của hệ thống Aquaponics, cá ăn thức ăn và thải amoniac xuống bể, nước từ bể cá sẽ được chuyển lên khay trồng rau. Sau đó, vi sinh vật sẽ làm nhiệm vụ chuyển đổi nước thải từ bể cá thành các chất dinh dưỡng cho cây trồng, rau sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng trong nước, thực hiện lọc sạch nước và cung cấp nước sạch ngược lại cho bể cá.

Là “tay ngang” nên anh Chinh gặp không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm trong thời gian đầu khởi nghiệp. Nhưng với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, anh không ngại khó khăn, thất bại để tìm kiếm hướng đi mới, sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.

Hiện tại, anh nuôi 5 bể cá các loại và trồng nhiều loại rau phổ biến như cải bẹ xanh, cải xà lách, cải bẹ dún, cải thìa,... Mỗi ngày, anh thu hoạch từ 20-25kg rau, chủ yếu cung cấp cho khách hàng tại địa phương. Với ưu điểm tươi ngon, an toàn sức khỏe, sản phẩm rau sạch thủy canh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán sỉ cho các đầu mối dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, cộng thêm nguồn thu từ nuôi cá, sau khi trừ hết các khoản chi phí, mỗi tháng, gia đình anh có thu nhập từ 10-12 triệu đồng.

Anh Lê Văn Chinh chia sẻ, vì được che chắn, không phải tiếp xúc với đất, lại được trồng trên cao nên mô hình này hạn chế được sự lây lan của sâu, bệnh, không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bảo đảm sản lượng, chất lượng và an toàn cho sức khỏe. Thu hoạch được cả rau và cá chỉ từ một nguồn dinh dưỡng là thức ăn cho cá. Cá tươi sạch và không chứa chất kháng sinh gây hại.

Ở xã Thạnh Hưng, đa số người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, vì vậy, việc chọn loại cây trồng, phương pháp trồng để tìm được đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân là điều mà chính quyền địa phương luôn trăn trở. Mô hình nông nghiệp sạch đang đi đúng hướng và được khách hàng tin dùng bởi các sản phẩm sạch, an toàn, tươi ngon mang lại giá trị dinh dưỡng cao,... Phương pháp này giúp người trồng chủ động về mùa vụ trong năm so với canh tác rau truyền thống trước đây.

Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư khá cao, nông dân hy vọng sẽ được hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật,... khi có nhu cầu sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường sống./.

Hoài Phương

Chia sẻ bài viết