Doanh nghiệp "khát" vốn nên buộc phải chấp nhận huy động trái phiếu lãi suất cao - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Theo số liệu từ FiinRatings, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với giai đoạn trước, đặc biệt nhóm trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm. Một số ý kiến băn khoăn về khả năng đảo nợ vì 8 tháng đầu năm nay, bên mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng…
Lãi suất trái phiếu lên "tầm cao mới"
Nếu cả năm 2022, lãi suất huy động bình quân 6,25%/năm, sang 8 tháng đầu năm nay, lên tới 9,17%/năm. Nổi bật là nhóm bất động sản với lãi suất bình quân lên tới 13,16%/năm so với năm trước là 9,76%/năm.
Lý giải từ đơn vị dữ liệu, các tổ chức phát hành phải nâng lãi suất để tăng cơ hội thành công trong bối cảnh ảm đạm, nhiều lô trái phiếu bất động sản phải chào lãi suất lên đến 14-15%/năm.
Một số ý kiến cho rằng với ngành bất động sản thì lãi suất trái phiếu lên đến 15%/năm là bình thường vì lợi nhuận gộp của ngành này lên đến 30-40%, cá biệt có nơi lên tới 50-60%. Do đó, doanh nghiệp bất động sản không nhất thiết phải "vay rẻ" mà vẫn có lãi, nhất là với các khoản vay thời gian trả nợ lên tới vài năm.
Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc CTCP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa - cho biết biên lợi nhuận bất động sản có thể 30% nhưng trong "điều kiện thị trường bình thường".
Ví dụ giai đoạn 2016-2022, biên lợi nhuận ngành này khá tốt khi giá nhà đất được đẩy lên cao, có dự án lời đến 60%. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp khó.
"Giá phải giảm qua chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ thanh toán trong khi thanh khoản hồi phục chậm nên biên lợi nhuận bất động sản hiện nay ở mức 10-20% là rất khó", ông Quang nói với Tuổi Trẻ.
Vì vậy, với các đợt phát hành trái phiếu có lãi suất cao vừa qua, ông Quang cho rằng đó là bài toán cân đối dòng tiền thời điểm này để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, chờ đợi thị trường hồi phục dần.
"Cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ lúc này đều hướng tới kỳ vọng. Tất nhiên sẽ có độ rủi ro nhất định", ông Quang cho hay.
Chính bởi yếu tố "kỳ vọng", vị CEO nhấn mạnh cần lưu ý những lô trái phiếu từ đơn vị "tay ngang", thiếu kinh nghiệm vì với ngành này, tính khả thi của dự án rất quan trọng, doanh nghiệp yếu kinh nghiệm sẽ cực kỳ rủi ro.
Doanh nghiệp "khát" vốn, chấp nhận vay lãi suất cao
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho rằng - lãi suất trái phiếu lên đến 15%/năm chứng tỏ doanh nghiệp "khát" vốn nên phải chấp nhận lãi suất cao.
Nguyên nhân là các chủ đầu tư thường quay vòng vốn, triển khai một lúc nhiều dự án. Do vậy, thị trường chững lại, lập tức "đau đầu" vì dòng tiền.
"Trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp, khi niềm tin thị trường chưa hồi phục hẳn, lại không dễ gì tiếp cận vốn tín dụng, họ phải chấp nhận vay lãi cao", ông Quốc Anh nói.
Ông Quốc Anh cũng cho biết vừa qua doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ nhiều. Họ kỳ vọng năm sau tốt hơn, dòng tiền sẽ "hồi" trở lại.
Nhưng khi nào thị trường hồi phục vẫn chưa có gì chắc chắn. Vị chuyên gia này cho rằng sớm nhất quý 3 năm sau sẽ "ổn định hơn" dù hiện tại lượt quan tâm đến bất động sản đã tăng lên, các sàn giao dịch trở lại, tuy nhiên dấu hiệu phục hồi chưa rõ rệt.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình trao đổi thêm lãi suất vay kỳ hạn dài ở các ngân hàng hiện cũng 11-12%. Lãi suất trái phiếu phải cao hơn, nếu không khó hấp dẫn.
Còn đánh giá rủi ro mức độ như thế nào, ông Bình cho rằng phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, mục đích huy động và cách sử dụng vốn.
Với 140.000 tỉ đồng giá trị trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm nay, ông Bình cho biết chủ yếu là phát hành riêng lẻ, người mua chủ yếu các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng…
Do vậy họ sẽ có kinh nghiệm, năng lực đánh giá về mức độ rủi ro. Tuy nhiên với trái chủ là các ngân hàng, ông Bình cũng cho rằng cần lưu ý tới nợ xấu, ảnh hưởng hệ thống./.
Ngân hàng là trái chủ lớn nhất
Theo ACBS, các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).
Đến cuối quý 2/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, giảm so với mức 2,5% vào cuối năm 2022. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Một điểm lưu ý, theo ACBS, kênh huy động từ trái phiếu - chiếm 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản hiện - vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá.
Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, trong khi áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi các trái phiếu đến kỳ đáo hạn vào cuối năm 2023.
Còn theo Fiinratings, trái phiếu đến hạn vẫn rất đáng quan tâm khi tỉ lệ chậm trả đạt 26,9% tính đến 30-6-2023. Lĩnh vực bất động sản nhà ở là một trong những lo ngại.
|
Theo TTO