1. TKĐDĐT bao gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo. Với TKĐDĐT, công dân có thể ở nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan Nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.
Ngoài ra, công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ ba thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ ba đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. TKĐDĐT cũng có thể thay thế căn cước công dân vật lý và tích hợp hiển thị các loại giấy tờ của công dân như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế,...
Đặc biệt, với định danh điện tử, công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền,... Trong giai đoạn đầu, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp TKĐDĐT trực tiếp tại trụ sở đơn vị công an, thông qua công tác cấp căn cước công dân gắn chip; sau này sẽ nghiên cứu việc đăng ký qua hình thức trực tuyến.
Những người đã được cấp căn cước công dân dự kiến sẽ được đăng ký tài khoản định danh điện tử vào thời gian tới tại nơi cấp căn cước công dân của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an huyện, thị xã, thành phố
2. Theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh: Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký TKĐDĐT thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo TKĐDĐT của người giám hộ.
Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký TKĐDĐT thông qua ứng dụng định danh điện tử. Về quy trình, khi công dân đến cơ quan công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp TKĐDĐT và cung cấp các thông tin theo 3 bước:
Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp TKĐDĐT. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp TKĐDĐT). Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip theo đúng quy trình cấp căn cước công dân.
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, thông tin thêm: “Thủ tục tạo tài khoản đơn giản và không mất chi phí. Hiện nay, việc đăng ký TKĐDĐT không bắt buộc nhưng khuyến khích nên làm vì sắp tới, các dịch vụ công sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử. Nếu có nhu cầu sử dụng, công dân thông báo với cán bộ việc làm hồ sơ đăng ký cấp TKĐDĐT cùng với hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip. Đối với những người đã được cấp căn cước công dân, dự kiến sẽ được đăng ký vào thời gian tới tại nơi cấp căn cước công dân của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an huyện, thành phố”.
Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển KT-XH và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2022-2030./.
Trần Văn Hà