Tiếng Việt | English

06/07/2017 - 08:54

Long An chủ động phòng, chống thiên tai

Trước tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến lụt, bão có xu hướng phức tạp, khó dự báo; đồng thời, nhằm chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH, tỉnh Long An tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động PCTT&TKCN, quản lý an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ, bão năm 2017.

Chủ động ứng phó thiên tai

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua, xảy ra các loại hình thiên tai: Nắng nóng, mưa giông, sét, lũ lụt, xâm nhập mặn,... Hàng năm, ở các địa phương đều có xảy ra giông, lốc xoáy, nhất là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, làm tốc mái, sập nhà của một số hộ dân.


Chủ động gia cố đê bao

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần: “Thời gian qua, Ban Chỉ huy (BCH) PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT&TKCN; kiện toàn tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất về PCTT&TKCN, củng cố BCH PCTT&TKCN năm 2017; xây dựng/rà soát, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. BCH PCTT&TKCN các cấp xây dựng xong phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; tiếp tục triển khai rà soát, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cho từng năm. BCH PCTT&TKCN tỉnh xây dựng phương án ứng phó với bão có sức gió từ cấp 10 trở lên trên địa bàn tỉnh và hàng năm đều có rà soát, bổ sung tùy theo tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác sơ tán dân trong trường hợp có nguy cơ bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; hàng năm, đều rà soát, bổ sung; thường xuyên kiểm tra công tác PCTT trước mùa mưa, lũ để có kế hoạch tu bổ, sửa chữa kịp thời các công trình phục vụ PCTT; tổ chức triển khai các văn bản pháp luật về PCTT năm 2017 cho các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh triển khai thi công 350 công trình phục vụ công tác PCTT”.

Bên cạnh đó, được sự tài trợ từ Tổ chức Phát triển Hoa Kỳ, thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh triển khai Dự án “Rừng và Đồng bằng Việt Nam” tại huyện Tân Thạnh và Cần Đước với nhiều hoạt động PCTT: Tổ chức diễn tập PCTT quy mô cấp huyện; tổ chức truyền thông về PCTT&TKCN cho 30 xã của 2 huyện; phát bản tin trên loa truyền thanh ở 2 huyện với nội dung tuyên truyền về công tác PCTT; xây dựng nhà tránh trú thiên tai an toàn;...

Trước mùa mưa, bão; các địa phương phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần

Đến nay, trên địa bàn 2 huyện nêu trên xây dựng, nâng cấp 6 nhà tránh trú thiên tai an toàn ở các xã: Long Hựu Tây, Long Hựu Đông, Tân Lân (huyện Cần Đước); Tân Hòa, Bắc Hòa, Kiến Bình (huyện Tân Thạnh). Những ngôi nhà tránh trú thiên tai an toàn này hoàn thành và đưa vào sử dụng kể từ tháng 5/2017 với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng.


Những căn nhà tốc mái được tu sửa

Theo cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước, thành viên nhóm thực hiện Dự án “Rừng và Đồng bằng Việt Nam” - Đặng Thị Ưa: “Những ngôi nhà tránh trú an toàn được xây dựng do dự án tài trợ thể hiện sự hữu ích từ dự án mang lại cả về công trình (nhà tránh trú thiên tai an toàn). Bên cạnh công năng là nhà tránh trú thiên tai, những ngôi nhà này còn là nơi học tập của các cháu học sinh tiểu học và mẫu giáo như điểm nhà tránh trú thiên tai Trường Mẫu giáo Long Ninh (xã Long Hựu Đông) hoặc làm Nhà văn hóa ấp (ấp Bình Hòa, xã Tân Lân). Đây là những công trình hết sức ý nghĩa vì nó là nơi để người dân tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, qua đây cũng giới thiệu và tuyên truyền cho người dân biết được lợi ích của việc xây dựng nhà bảo đảm an toàn nhằm góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ mô hình điểm do dự án xây dựng, giới thiệu, mong rằng, các địa phương cần nhân rộng mô hình để người dân luôn được bảo đảm an toàn trong thiên tai”.

Giải pháp thời gian tới

Thời gian tới, để công tác PCTT&TKCN đạt hiệu quả, theo ông Võ Kim Thuần: “Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương (TW) xem xét, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện
một số dự án cấp bách, cụ thể: Kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, phường 5, TP.Tân An, kinh phí 398 tỉ đồng; kè chống sạt lở bờ kênh Cầu Duyên, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, kinh phí 70 tỉ đồng; kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến qua cống đầu kênh Vành Đai, kinh phí 50 tỉ đồng; kè chống sạt lở ven sông Cần Giuộc, đoạn từ cống Trị Yên đến qua bến phà Cần Giuộc, kinh phí hỗ trợ 170 tỉ đồng. Đối với các công trình phòng, chống hạn, mặn: Hồ chứa nước ngọt Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, kinh phí 632 tỉ đồng; nạo vét, nâng cấp, mở rộng rạch Mồng Gà, kinh phí 82 tỉ đồng; nạo vét sông Vàm Cỏ Tây, từ kênh Hồng Ngự đến Bình Châu, kinh phí 60 tỉ đồng; hệ thống cống ngăn mặn cấp bách ven sông Vàm Cỏ Tây, phục vụ ngăn mặn cho tỉnh Long An và Tiền Giang, kinh phí 47,3 tỉ đồng”.

Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn ở Tân Thạnh. Ảnh Lê Ngọc

Về công tác PCTT&TKCN tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chỉ đạo: “UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm, ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai để điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch, phương án PCTT của địa phương mình; chỉ đạo thực hiện, hoàn thành kế hoạch tu bổ, sửa chữa đê, công trình thủy lợi đầu mối (cửa van cống);... trước mùa mưa, bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó thiên tai. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai, chủ động tổ chức việc phòng tránh, xây dựng phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trước khi thiên tai xảy ra; thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn từng hộ gia đình về việc ứng phó thiên tai; tổ chức tập huấn, diễn tập về công tác PCTT&TKCN cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại địa phương. Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, phải tập trung khẩn trương rà soát, chủ động gia cố hệ thống đê bao lửng nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, đề phòng lũ về sớm. Các huyện vùng hạ cần thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và người dân địa phương có hoạt động đánh bắt hải sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCTT, chủ động trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm liên lạc thông suốt trong mùa mưa, bão; bảo đảm an toàn trên tàu, thuyền trước khi ra khơi”./.

6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 7 ngôi nhà sập, 107 nhà tốc mái, 6 trụ điện bị ngã do giông lốc;  xảy ra 4 trường hợp sạt lở lớn ở huyện Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Tây đoạn TP.Tân An; trên 5.660ha lúa, đậu phộng, chanh, đu đủ, khoai mì bị thiệt hại do ngập úng. Ước tổng thiệt hại gần 40 tỉ  đồng.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết