Tiếng Việt | English

24/12/2018 - 20:38

Long An: Gặp gỡ doanh nghiệp, HTX, THT trong vùng thanh long ƯDCNC

Chiều 24/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trong vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh năm 2018 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức.

Doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo hợp tác xã kí kết hợp đồng thu mua thanh long

Hội nghị nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân gặp nhau trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong việc trồng và tiêu thụ thanh long trong vùng ƯDCNC; đồng thời trao đổi phương thức liên kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn ƯDCNC trong thời gian tới.

Đến nay, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 10.595ha; diện tích cho trái trên 8.090ha, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành. Trong thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 phát triển vùng thanh long ƯDCNC 2.000ha tại huyện Châu Thành, đến nay, cơ bản hình thành các vùng sản xuất thanh long ƯDCNC với tổng diện tích 774ha, đạt gần 40% kế hoạch.

Nhìn chung, mô hình đạt những kết quả khả quan. Nông dân ý thức hơn trong việc sản xuất an toàn, giảm chi phí công lao động, nước tưới, phân bón,...khoảng 2-4 triệu đồng/ha/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại hội nghị, hiện nay, đầu ra thanh long chưa ổn định, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chủ yếu thông qua thương lái, rất ít doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hoạt động HTX còn hạn chế về vốn nên chưa hỗ trợ hết quá trình sản xuất của các thành viên, mở rộng nhà xưởng, kho lạnh bảo quản thanh long và sản xuất kinh doanh. Thị trường tiêu thụ các nước ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Giá cả thị trường không ổn định cũng là yếu tố khó khăn nhất cho HTX trong việc thực hiện dự án cùng các cơ quan chức năng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhận định, qua 2 năm triển khai, kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án sản xuất thanh long ƯDCNC tạo tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo. Thông qua đề án, nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước quen dần với việc sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng các loại thuốc cấm sử dụng, ứng dụng tưới tiết kiệm,...Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình kết hợp tổ chức lại sản xuất theo hình thức thành lập các THT, HTX giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình VietGAP, GlobalGAP, đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh, ổn định đầu ra./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết