Tiếng Việt | English

24/08/2015 - 09:40

Long An: Hiệu quả từ công tác ngoại giao kinh tế

Cùng với cả nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều năm qua, tỉnh Long An đã xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của địa phương, nhằm phát huy tối đa lợi thế trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Từ đó, tỉnh chủ trương tập trung vào 3 kênh đối ngoại chính là các địa phương nước ngoài, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài ở trong và ngoài nước.

Long An là 1 trong 13 tỉnh, thành của miền Tây Nam bộ, 1 trong 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên địa phương có vị trí vô cùng thuận lợi cho cả thương mại và đầu tư với hệ thống kết cấu hạ tầng được kết nối hoàn chỉnh đến sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế đường bộ với nước bạn Campuchia. 


Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm tại Komaki năm 2014      Ảnh: Sở Ngoại vụ

Thực hiện tốt 3 kênh đối ngoại chính

Xây dựng, phát triển quan hệ với các địa phương nước ngoài. Năm 2005, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Chungcheongnam-do, nội dung hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có các vấn đề về xúc tiến đầu tư, thương mại và dịch vụ. Mối quan hệ hữu nghị với tỉnh Chungcheongnam-do đã góp phần đưa tỉnh Long An đến gần hơn đến cộng đồng DN tại tỉnh Chungcheongnam-do nói riêng và Hàn Quốc nói chung.
Ngoài tỉnh Chungcheongnam-do, Long An cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 2 tỉnh giáp biên Campuchia là Svay Rieng và Pray Veng.

Kênh ngoại giao kinh tế thứ hai mà tỉnh đã và đang tiến hành rất có hiệu quả là thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam. Ngoài mối quan hệ gần gũi vốn có với cơ quan đại diện của các quốc gia có nhiều nhà đầu tư vào Long An như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các cuộc tiếp xúc, thăm hỏi, chúc tết, chào xã giao với cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ,...

Điển hình nhất về hiệu quả qua kênh ngoại giao này là mối quan hệ rất tốt mà tỉnh xây dựng được với các tổ chức và DN Ấn Độ thông qua sự kết nối của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với đoàn các DN từ Singapore và Trung Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An          Ảnh: Sở ngoại vụ

Kênh ngoại giao kinh tế thứ ba được tỉnh đặc biệt quan tâm và đang thực hiện có hiệu quả là quan hệ trực tiếp qua các DN, tổ chức DN nước ngoài trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã tiếp xúc và giữ liên lạc với rất nhiều tổ chức kinh tế ở cấp trung ương và địa phương của Nhật Bản như: JETRO, Yokohama IDEC, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Komaki (KCCI),...

Với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh, ngoài các cuộc làm việc, tiếp các đoàn DN Trung Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương, tỉnh đã chủ động phối hợp Hiệp hội DN Trung Quốc tại TP.HCM kết nối các DN Trung Quốc có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Trong năm nay, tỉnh sẽ cùng tham gia gian hàng của Hiệp hội tại Hội chợ Xúc tiến đầu tư và Thương mại quốc tế tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.

Lãnh thổ Đài Loan hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh Long An cả về số dự án (150 dự án) và số vốn đầu tư (hơn 850 triệu USD). DN Đài Loan đến đầu tư tại Long An từ năm 1993. Trong suốt thời gian qua, tỉnh luôn phối hợp rất hiệu quả với Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM hỗ trợ các nhà đầu tư Đài Loan, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Khai thác hiệu quả nhiều kênh đối ngoại khác

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tận dụng rất tốt những kênh liên lạc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao. Rõ nét nhất trong thời gian qua là việc khai thác và trao đổi thông tin từ Diễn đàn Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao. Long An là một trong những tỉnh, thành có bài viết tham gia diễn đàn sôi nổi nhất.

Đến nay, nhiều DN, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được giới thiệu trên diễn đàn như: Gạo Nàng thơm Chợ Đào, thanh long Châu Thành, Khu công nghiệp Long Hậu, sản phẩm thủ công của DN Hòa Thành,...

Những con số khá ấn tượng

Hoạt động ngoại giao kinh tế của tỉnh đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của địa phương. 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án, với tổng vốn đăng ký 549,6 triệu USD, tăng 314,2 triệu USD so với cùng kỳ. Đây là bước tăng về vốn đăng ký ấn tượng nhất trong vài năm gần đây tại Long An.

Lũy kế đến nay, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 616 dự án, với số vốn đăng ký 4.142 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 2.289 triệu USD. Tính đến thời điểm này, các DN trên địa bàn tỉnh đã có quan hệ giao thương với 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh ước đạt 1.615,4 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ, ước đạt 1.190,4 triệu USD.

Thời gian tới, cùng với việc Việt Nam tham gia vào các khu vực thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN, hoàn tất đàm phán TPP,... Long An cũng đã có những bước chuẩn bị tích cực để chào đón những cơ hội mới này./.

 

Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Hữu Lâm

 

 

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích