Hơn 82.000 hộ SX-KDG giỏi 3 cấp
Theo HND tỉnh, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 146.114 hộ đăng ký NDSX-KDG các cấp, chiếm 81,47% so với hộ nông nghiệp. Qua bình xét công khai tại các chi, tổ hội, có 82.774 hộ đạt tiêu chuẩn NDSX-KDG 3 cấp, đạt 56,65% so với số hộ đăng ký và tăng 5.160 hộ so với năm 2014.
Nông dân ứng dụng khoa học-công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Ảnh: Duy Bằng
Ông Nguyễn Tấn Sơn, ngụ ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - một trong số các hộ NDSX-KDG tiêu biểu cấp tỉnh cho biết, nông dân không thể tách rời khỏi nông nghiệp, chính vì vậy, chỉ có chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất mới có thể tăng thu nhập.
Gia đình ông Sơn hiện đang trồng 8ha rau màu, chủ yếu là dưa gang và dưa hấu. Năm 2015, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt 700 triệu đồng. Từ hiệu quả trong SX-KD, gia đình ông có điều kiện tham gia các công tác xã hội như: Góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn, giúp đỡ hơn 40 hộ trong việc tiêu thụ nông sản ở địa phương. Đặc biệt, ông còn vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong phong trào NDSX-KDG giai đoạn 2010-2014.
Từ phong trào Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao
Hay như hộ gia đình bà Bùi Thị Ba, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức - một trong số các hộ NDSX-KDG nhiều năm liền cấp tỉnh. Từng thực hiện nhiều mô hình sản xuất nhưng không đạt hiệu quả, có khi lâm vào cảnh nợ nần nhưng với quyết tâm vượt khó, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình sang trồng chanh không hạt và làm đầu mối thu mua chanh xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận các năm đều vượt ngưỡng 1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, gia đình bà còn trực tiếp giúp 13 hộ nông dân tại địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng.
Đó chỉ là 2 trong số hàng chục ngàn hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào NDSX-KDG, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng do HND tỉnh phát động.
Sức bật từ phong trào NDSX-KDG
Để đạt những kết quả tích cực trên, năm 2015, Hội các cấp tích cực phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao KHKT, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi với 2.169 cuộc cho 73.420 lượt hội viên, nông dân (HV, ND); 264 lớp IPM với gần 7.000 người dự và 1.078 cuộc hội thảo đầu bờ với tren 32.000 người tham gia.
Song song đó, Hội phối hợp các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho HV, ND với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó chú trọng các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ cấp bảo vệ thực vật, thú y,...
Chủ tịch HND tỉnh - Phạm Minh Hùng cho biết: “Mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2015 không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thị trường không ổn định nhưng các huyện, thị, thành hội tập trung quan tâm công tác tuyên truyền, phát động đăng ký thi đua sớm nên nông dân có ý thức và chuẩn bị tốt hơn việc tổ chức sản xuất của gia đình.
Từ phong trào, có nhiều mô hình SX-KD đạt hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững nhiều năm liền. Riêng năm 2015, có 50 hộ có số lãi từ hoạt động SX-KD trên 1 tỉ đồng, 555 hộ lãi từ 500 triệu-1 tỉ đồng/hộ/năm”.
Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng chất chiều sâu của phong trào, lấy các hộ NDSX-KDG làm nòng cốt thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4-3-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ X “Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Qua đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, ổn định, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu - Ông Phạm Minh Hùng cho biết thêm./.
Kiên Định