Năm 2021, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh đạt 66,58 đểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với năm 2020, PCI của Long An đã giảm 3,79 điểm và giảm 13 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út, chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh giảm mạnh cả về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI cả nước so với năm 2020 với hầu hết các chỉ số thành phần giảm điểm, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ngoài những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, thì việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn của các ngành, địa phương chưa được theo dõi, xác định nguyên nhân để khắc phục kịp thời; thủ trưởng các sở, ngành, địa phương chưa năng động, chưa phát huy được bản lĩnh, vai trò người đứng đầu chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị chưa thực sự nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chỉ số PCI đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát, đánh giá, nâng cao các chỉ số thành phần, xác định nguyên nhân và mạnh dạn đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh,… tại một số cơ quan đơn vị chưa được triển khai đồng bộ và quyết liệt.
Ông Nguyễn Văn Út cũng nhìn nhận, việc triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của các sở, ngành, địa phương chưa được triển khai đồng bộ, chưa thống nhất về quan điểm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm chưa kịp thời, chưa có tính răn đe cao cũng là một trong những nguyên nhân gây sụt giảm các chỉ số thành phần PCI.
Từ những phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, ông Nguyễn Văn Út cho biết, tỉnh đã đề ra các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các TTHC cũng như các hoạt động công vụ có liên quan do đơn vị mình đảm trách. Chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động thật cụ thể, chi tiết và phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định rõ tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp thay vì là quản lý, hỗ trợ như trước đây. Trong quá trình thực hiện, phải thẳng thắng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để khắc phục,...
Mặt khác, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã nhi; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tập trung khắc phục tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, chủ động rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không còn cần thiết; không yêu cầu những thủ tục, giấy phép mà Luật không quy định; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xác định nguyên nhân, sai phạm ở đâu khắc phục ở đó, cơ quan nào giải quyết chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thì cơ quan đó phải xin lỗi doanh nghiệp…
Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh, Long An sẽ phát huy và nêu cao vai trò của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh. Đó là tăng cường kết nối chính quyền với doanh nghiệp; kịp thời phản ánh những vấn đề tồn đọng, bức xúc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; hiến kế vào công tác quy hoạch, kế hoạch, chính sách liên quan phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong triển khai tuyên truyền theo chuyên đề về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Duy trì, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện PCI năm 2022, tham mưu quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc để triển khai các giải pháp cải thiện PCI và cải cách hành chính và tham mưu kế hoạch triển khai Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI). Đây được xem là bộ chỉ số kép, đánh giá hai khối cơ quan trong tỉnh ở các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và là một trong các hướng đi mới để cải thiện chỉ số PCI hiện nay.
“Năm 2022 tỉnh sẽ phấn đấu mục tiêu đưa chỉ số PCI của tỉnh tăng điểm và trở lại top 10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước”, ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.
Lê Đức