Gắn kết chính quyền và doanh nghiệp
Kết quả xếp hạng PCI năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Long An đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, đạt điểm số 68,82/100 điểm, thuộc nhóm Tốt. So với năm 2018, Long An tụt 5 hạng nhưng điểm số tăng 0,73. Năm 2019, Long An có 5 chỉ số thành phần tăng điểm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ DN. 5 chỉ số thành phần giảm điểm: Gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng.
Long An luôn cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư, cũng như PCI và hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư
Theo VCCI, năm 2019, hầu hết các tỉnh đứng trong top đầu đều tăng điểm. Điều này cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương có sự cải thiện mạnh theo thời gian, như một “cuộc đua” tích cực của các địa phương trong mắt cộng đồng DN. Trong năm qua, khoảng 70-80% DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy thông qua nhiều hình thức gắn kết giữa DN và chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức.
Bến Lức hiện là một trong những địa phương có số lượng DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá lớn, khoảng 1.900 DN và chi nhánh. Để gắn kết giữa DN và chính quyền địa phương, cách đây vài năm, lãnh đạo huyện tổ chức hình thức “Cafe doanh nhân”, duy trì sinh hoạt 2 tuần/lần. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi chia sẻ: “Đây là cầu nối để huyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn để có hướng hỗ trợ, giúp DN vượt qua khó khăn”. Công tác cải cách hành chính cũng được tập trung thực hiện, nhất là tại Trung tâm Hành chính công của huyện, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn, đúng hạn năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 99%.
Năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) tỉnh là một trong những đơn vị quyết liệt thực hiện cải cách hành chính cũng như gắn kết DN. Ban QLKKT tỉnh áp dụng phần mềm quản lý điều hành, phần mềm “một cửa điện tử” trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Ban hiện có 57 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 3, 4. Trưởng ban QLKKT tỉnh - Nguyễn Thành Thanh thông tin, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý tại ban mang lại hiệu quả cao, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cá nhân. Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, ban đã giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đúng hạn 100%. Qua khảo sát, lấy ý kiến của DN, nhà đầu tư về hỗ trợ của ban trong giải quyết các vấn đề liên quan, kết quả 100% ý kiến đều hài lòng.
Nỗ lực nhiều hơn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 khu công nghiệp (KCN) đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, Ban QLKKT tỉnh phấn đấu có 4 KCN mới xây dựng hạ tầng, đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trực tiếp, gồm An Nhựt Tân, Hựu Thạnh, Slico, Việt Phát. Ông Nguyễn Thành Thanh cho biết, thời gian tới, đối với KCN đã đi vào hoạt động, ban tiếp tục theo dõi, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp theo đúng quy định. Riêng KCN còn vướng giải phóng mặt bằng, ban phối hợp sở, ngành và địa phương ưu tiên thực hiện đối với các vị trí có ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đôn đốc nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. KCN đang lập thủ tục đầu tư sẽ đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, nếu nhà đầu tư không có năng lực sẽ đề xuất thu hồi chủ trương, nhường suất đầu tư cho nhà đầu tư đủ năng lực nhằm góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh.
Khu công nghiệp Hựu Thạnh đang được thi công mặt bằng, phấn đấu thu hút nhà đầu tư trực tiếp sản xuất vào quí III-2020
Năm 2019, PCI của tỉnh ghi nhận có 5 chỉ số thành phầm giảm điểm, trong đó điểm số thấp nhất là đào tạo lao động với 6,2 điểm (giảm 0,1 điểm so với năm 2018). Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Nguyễn Đại Tánh cho rằng, mặc dù công tác dạy nghề có chuyển biến tích cực nhưng hiện số lượng lao động của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của DN, kéo theo tỷ lệ lao động của tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng giảm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc trong DN giảm, thấp nhưng chi phí dành cho đào tạo lao động tăng.
Theo ghi nhận của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 24.721 người, trong đó cao đẳng và trung cấp 2.910 người, chiếm 11,77%; sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng 21.811 người, chiếm 88,23%. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng năm tăng lên nhưng thấp so với tiềm năng và nhu cầu của thị trường lao động. Theo ông Nguyễn Đại Tánh, ngành đang nỗ lực khắc phục những hạn chế này. Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường phối hợp DN triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. Đồng thời, tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên đến DN thực tập, tiếp cận công nghệ mới và gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Sở cũng đẩy mạnh hướng dẫn DN tổ chức đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho lao động trong DN theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20-10-2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về đào tạo thường xuyên. Việc làm này sẽ giúp DN thu tuyển được lao động đủ năng lực, đúng ngành nghề sản xuất cũng như có nguồn nhân lực phục vụ các khu, cụm công nghiệp đang thu hút DN đầu tư trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
Song song với cải cách thủ tục hành chính, gắn kết giữa DN và chính quyền, cơ quan quản lý, tỉnh đang nỗ lực nâng chất lượng kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng, dịch vụ đô thị,... Hy vọng, những nỗ lực mà các ngành, địa phương đang thực hiện sẽ tạo thêm động lực để Long An cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư cũng như PCI, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư./.
Mai Hương
San Hà chọn Long An làm địa điểm đầu tư bởi thuận lợi về giao thông, gần thị trường lớn TP.HCM. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, San Hà luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong mọi thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai để xây dựng nhà xưởng sản xuất cũng như mặt bằng để mở các cửa hàng tiện ích (SanHaFoodstore).
Ngoài nhà máy giết mổ gia cầm, thủy cầm, cửa hàng tiện ích, San Hà còn chọn Long An để mở trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức với quy mô 7,5ha và dự án 100ha tại Đức Huệ với trung tâm giống vật nuôi. Với 2 dự án này, San Hà sẽ đủ lượng gà thực hiện chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín theo hướng an toàn thực phẩm phục vụ thị trường tại Long An cũng như các tỉnh lân cận”.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà
|
Đầu tư vào Long An là một quyết định đúng đắn của Công ty IDICO-CTCP. Năm 2017, IDICO được phê duyệt đầu tư dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh với diện tích hơn 524ha, khoảng 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong hơn 3 năm, công ty gần như hoàn thành phần đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công khu tái định cư, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Nói như thế không phải là không có khó khăn, bởi trong quá trình triển khai dự án, có thời điểm “sốt đất”, không ít người dân “tâm tư” khiến công ty gặp không ít khó khăn, đôi lúc “chùn bước”. Trước những khó khăn này, lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở, ngành liên quan giúp nhà đầu tư tháo gỡ từng bước. Đến thời điểm này, dự án gần như thành công bước đầu và có thể triển khai thi công phần hạ tầng”.
Giám đốc Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp IDICO (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO-CTCP)) - Đoàn Văn Hùng
|