Tiếng Việt | English

21/08/2023 - 14:49

Long An: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững

Từ các nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đều đạt theo kế hoạch.

Thông tin từ UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững nhằm giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo Quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2020 và đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 3%, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Từ các nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo

Qua rà soát, năm 2021, số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 là 6.269 hộ nghèo, chiếm 1,31% và 11.570 hộ cận nghèo, chiếm 2,41%. Đến năm 2022, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 3,28%; trong đó, tổng số hộ nghèo là 4.764 hộ, chiếm 0,99%, số hộ cận nghèo là 11.049 hộ, chiếm 2,29%. Tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm xuống còn 3,21%, hộ nghèo giảm còn 0,97% và hộ cận nghèo giảm còn 2,24%. Dự kiến, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,65%.

Đạt được kết quả đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh được giao khoảng trên 27 tỉ đồng để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang và phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững. Đồng thời, từ năm 2021-2023, tỉnh được giao trên 82 tỉ đồng vốn sự nghiệp thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Đức Huệ, dù là địa bàn biên giới còn gặp nhiều khó khăn, song, từ việc triển khai đồng bộ các chính sách, phân bổ nguồn vốn kịp thời từ chương trình đã giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thống kê của UBND huyện Đức Huệ, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 488 hộ, chiếm 2,53%, dự kiến, đến cuối năm 2023 sẽ có thêm khoảng 60 hộ thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thông tin công tác giảm nghèo tại buổi giảm sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hàng năm, công tác giảm nghèo đều được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Trong quá trình thực hiện luôn bảo đảm công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của từng cơ quan, đơn vị. Việc triển khai các dự án thành phần, tiểu dự án của chương trình tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, qua thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ các huyện khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, biên giới từng bước phấn đấu thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Ông cũng cho rằng, để chương trình giảm nghèo thực sự đạt kết quả theo chỉ tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, để người dân quyết tâm tự mình vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại. Đồng thời, phải hướng dẫn cho người nghèo có nhận thức đúng, biết tận dụng các cơ hội để giảm nghèo và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện; chính sách trợ giúp pháp lý.

Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm huy động mọi nguồn lực bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Kiên Định - An Thuận

Chia sẻ bài viết