Ảnh: Hùng Dũng
Thu hút đầu tư tăng, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 16/28 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 52,47%. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các KCN thu hút 39 dự án FDI (đầu tư ngoài nước) với tổng số vốn 110 triệu USD và 39 dự án DDI (đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư 5.559 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2014, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến nay, về số dự án FDI (tăng 18 dự án) tăng 85,71%; số dự án DDI (tăng 17 dự án) tăng 77,27%. Như vậy, từ khi có KCN đến nay, toàn tỉnh thu hút được 984 dự án; trong đó, có 370 dự án đầu tư từ nước ngoài với số vốn 2.267 triệu USD và 614 dự án đầu tư trong nước với số vốn 39.786 tỉ đồng.
Bên cạnh KCN, Long An còn có 14/32 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,1%. Hiện các CCN hoạt động thu hút 251 dự án đầu tư, gồm 54 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 201 triệu USD và 197 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 5.033 tỉ đồng; có 181 DN đã hoạt động sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm (GDP) trên toàn tỉnh đạt khoảng 10.357 tỉ đồng (giá cố định 1994), tăng trưởng đạt 10,2% (cùng kỳ tăng 10%). Trong đó, chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) tăng 12,54% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) 70.559 tỉ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ.
Đến nay, trong các KCN đã có 521 dự án, DN đang hoạt động (tăng 21 dự án so với đầu năm), tập trung nhiều trong các lĩnh vực: May mặc, da giày, dệt nhuộm, nhựa,... Doanh thu ước 6 tháng, khu vực FDI đạt 579 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực DDI đạt 10.720 tỉ đồng, tăng 69% so với 6 tháng đầu năm 2014. Tính chung 6 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của các DN, dự án trong KCN ước đạt 313,713 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực FDI đạt 253,77 triệu USD, tăng 9,26% so với cùng kỳ và đóng góp 80,9% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực FDI và DDI.
Tháo gỡ những vướng mắc
Trong các lần gặp gỡ, đối thoại cùng DN, đại diện DN cho rằng thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh của các DN trong K-CCN. Từ đó, DN đã đạt những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trên các phương diện tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội. Tuy nhiên, tại các K-CCN đang phát sinh nhiều vướng mắc, cản trở DN, nhà đầu tư, cần sớm có giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Thanh Cang, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, DN đầu tư hạ tầng đang thực hiện trả tiền thuê đất hằng năm, phải chuyển sang trả tiền thuê đất một lần - cho cả thời gian thuê còn lại theo giá đất tại thời điểm UBND tỉnh có quyết định. Chuyển sang nộp tiền thuê đất một lần với mức giá giao đất có thu tiền sử dụng đất, do việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đột biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của DN đầu tư hạ tầng. Điển hình như: KCN Long Hậu, KCN Long Hậu-Hòa Bình, KCN Vĩnh Lộc 2, KCN Xuyên Á, KCN Đức Hòa 1,... Tình trạng này làm cho DN hạ tầng gặp khó, vì số tiền quá lớn, làm cho giá đầu ra quá cao. Trong khi đó, mặt bằng giá cho thuê lại đất thấp hơn, gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các DN thứ cấp, do tiền thuê lại quyền sử dụng đất mức giá quá cao. Điều này đặc biệt gây khó đối với những K-CCN có tỷ lệ lấp đầy cao, thực hiện trả tiền thuê đất hằng năm.
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 áp dụng hồi tố đối với DN đầu tư trả tiền thuê đất hằng năm trước đây, nay phải trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, thì DN thứ cấp mới được quyền thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng. Quy định này dẫn đến hàng loạt DN thứ cấp bị ngân hàng thu hồi vốn vay, khi đáo hạn, DN không còn khả năng hoạt động do thiếu hụt vốn, dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh của các DN bị đình trệ.
Trường hợp của Cty TNHH Glorytex Việt Nam (Glorytex Vina) đóng tại KCN Xuyên Á, chị Nguyễn Thị Thúy Hà - quản lý Cty cho biết, do ảnh hưởng của Luật Đất đai năm 2013, Cty của chị đã thực hiện tất cả các nghĩa vụ Nhà nước trong việc thuê đất tại KCN Xuyên Á, nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Cty đã có giấy chứng nhận đầu tư, đi vào hoạt động hơn 1 năm nay. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với ngân hàng.
Nhiều DN đầu tư thứ cấp tại KCN Tân Đức phản ánh, trước và sau năm 2015, nhà đầu tư hạ tầng là Cty Cổ phần Đầu tư Tân Đức có giá cấp nước khá cao - so với quy định của UBND tỉnh. Mức giá cấp nước mà DN tại KCN này phải trả là 14.000 đồng/m3. Mức giá cấp nước cao so với các KCN khác, dẫn đến chi phí đầu vào của các DN này khá cao. Nói về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Nguyễn Văn Tiều cho biết, mức giá cấp nước tại các KCN được áp dụng theo khung giá do Chính phủ quy định từ 8.000-14.000 đồng/m3 và mức giá cụ thể từng KCN trong tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quy định. Theo đó, trước năm 2015, UBND quy định giá cấp nước tại KCN Tân Đức là 8.000 đồng/m3, nhưng nhà đầu tư KCN Tân Đức không chấp hành. Từ ngày 1-1-2015, UBND tỉnh đã có quy định mới về giá cấp nước tại KCN Tân Đức với giá 11.700 đồng/m3, nhưng nhà đầu tư KCN Tân Đức vẫn tiếp tục không chấp hành. Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp các ngành liên quan đôn đốc nhà đầu tư KCN Tân Đức chấp hành.
Một số vấn đề khác mà DN trong K-CCN gặp phải khó khăn như: Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, phí hạ tầng, điện thường xuyên cúp mà không được thông báo trước từ cơ quan chức năng; hướng dẫn DN thực hiện pháp luật về thuế,...
Trước những khó khăn mà DN gặp phải trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Nguyên cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ nhằm giúp DN hoạt động thuận lợi, ổn định và bền vững. Riêng những vấn đề khác mà DN phản ánh, thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Nguyên đã chỉ đạo các ngành liên quan sớm khắc phục những hạn chế trên tinh thần xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh./.
Thanh Tùng