Tiếng Việt | English

17/05/2024 - 06:26

Long Khốt linh thiêng, nghĩa tình

Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân Long An nói chung, chính quyền và người dân ở vùng biên giới huyện Vĩnh Hưng cùng các cựu chiến binh tề tựu về mảnh đất Long Khốt để dâng hương tưởng nhớ Bác và làm lễ giỗ liệt sĩ, thả hoa đăng tưởng niệm, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc bên dòng Long Khốt linh thiêng.

Đây là hoạt động văn hóa tâm linh giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân lên giá trị, truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân Long An trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Long Khốt có vị trí hết sức quan trọng trong việc bố trí chiến lược phòng thủ, là điểm trọng yếu chiến lược hàng đầu trên tuyến hành lang biên giới Tây Nam, bảo vệ Tân An và Sài Gòn (TP.HCM). Chính vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, khu vực Long Khốt là chiến trường ác liệt giữa ta và địch. Trên vùng đất linh liêng này, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra, trong đó tiêu biểu là 3 trận đánh vào năm 1972, 1974 và trận chiến đấu anh dũng 43 ngày đêm (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978) của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân Vũ trang Long Khốt và quân, dân địa phương. Với những thành tích vẻ vang, ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, khốc liệt, hàng ngàn chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất linh thiêng này. Có nhiều người, thân xác vĩnh viễn hòa vào dòng Long Khốt.

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia

Vùng đất Long Khốt anh hùng, linh thiêng đã đi vào lòng người với những trang sử oai hùng, cùng với Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, Hiệp Hòa, Đức Lập, Gò Gòn, Gò Ông Lẹt, Xóm Trường,... đã viết nên truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, ghi những mốc vàng chói lọi của quân và dân Long An.

 Trong những ngày tháng Năm đáng nhớ, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tri ân các anh hùng liệt sĩ và khánh thành giai đoạn 2 Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt.

Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 2 nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các anh hùng liệt sĩ là một sự kiện lễ hội cách mạng tiêu biểu của huyện Vĩnh Hưng và tỉnh nhằm tiếp tục phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt, xây dựng nơi đây trở thành một trong những điểm đến tiêu biểu của tỉnh, vừa giáo dục truyền thống, vừa gắn với du lịch biên giới, du lịch tâm linh hướng về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên cả nước đã nằm lại trên vùng biên giới linh liêng này.

Các hoạt động được tổ chức nhân dịp này góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và học sinh trên địa bàn tỉnh về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn; góp phần thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Năm 1997, Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; đến năm 2019, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tỉnh đang hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể cụm di tích, tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị của di tích quan trọng này.

Xin thành kính dâng lên Bác và các anh hùng liệt sĩ đã “ngã xuống thành đất đai Tổ quốc” trên vùng đất Long Khốt linh liêng nén hương trầm bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết