Tiếng Việt | English

31/07/2017 - 10:24

Lũ sớm - Gây nhiều thiệt hại

Khoảng một tuần qua, lũ lên nhanh ở khu vực đầu nguồn. Dù được dự đoán từ trước nhưng vẫn có hàng chục hecta lúa ở các huyện đầu nguồn bị mất trắng, hàng ngàn hecta bị ảnh hưởng do mực nước tăng nhanh.


Gia cố đê bao bảo vệ lúa

Nông dân gặp nhiều khó khăn

Trong những ngày qua, lũ về sớm với cường suất từ 2-9cm/ngày đêm, các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) triển khai gia cố các tuyến đê bao bảo vệ lúa Hè Thu (HT). Tuy nhiên, cũng có một số diện tích không bảo vệ kịp đã bị thiệt hại.

Cụ thể ở huyện Tân Hưng, Vụ HT 2017 gieo sạ được 38.290,3ha lúa, đến nay, thu hoạch được trên 28.000ha, trong đó, có 125ha lúa thiệt hại hơn 70%, trên 1.000ha diện tích phải thu hoạch sớm từ 5-7 ngày, năng suất giảm 20-30%. Hiện, diện tích chưa thu hoạch bị ảnh hưởng lũ 5.192,5ha, trong đó diện tích đang bị ngập là 2.164ha, diện tích còn lại 3.028,5ha nước lên khoảng 10-20 cm nữa sẽ tràn vào ruộng, do ở những khu vực này chưa có đê bao lửng hoàn chỉnh..

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Võ Hùng Kiệt cho biết: “ Vụ HT 2017, toàn xã gieo sạ 4.699ha, thu hoạch được 2.567ha, còn lại 2.132ha, trong đó có 114,5ha bị ngập và 513ha đang bị lũ đe dọa. Có 47,6ha của 13 hộ dân khu vực ấp 1, ấp 2, bị mất trắng, ước tính tổng thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Hiện nay, một số nơi, nông dân thu hoạch sớm từ 5-10 ngày để chạy lũ. Diện tích thu hoạch sớm khoảng 215ha, với năng suất 1 -3 tấn/ha. Do thu hoạch sớm nên giá bán thấp”.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi, xã có khoảng 530 ha phải cắt lúa non chạy lũ, năng suất giảm 10-20%, trong đó có 72,1ha năng suất giảm 80% . Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Vĩnh Thạnh) nói: “Tôi có 2,5ha nếp OM5451 phải thu hoạch sớm để chạy lũ, năng suất chỉ khoảng 1,5 tấn/ha so với bình thường 6 tấn/ha, bán với giá 4.600 đồng/kg (bình thường 5.400 đồng/kg)”.

Huyện Vĩnh Hưng gieo sạ 28.419ha, đến nay, thu hoạch trên 4.600ha, diện tích còn lại khoảng cuối tháng 8 thu hoạch dứt điểm. Diện tích có khả năng bị ảnh hưởng lũ khoảng 7.800ha. Trước tình hình lũ diễn biến khá phức tạp, nhiều địa phương khuyến cáo nông dân nên thu hoạch sớm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Trần Văn Khánh cho biết: “Vụ HT 2017 toàn xã có khoảng 2.850ha, trong đó có khoảng 27ha sạ ngoài vùng đê bao bị ảnh hưởng do lũ và đã thu hoạch 10ha. Số diện tích này địa phương không khuyến cáo gieo sạ. Ngoài phần diện tích trên, hiện tại, xã chưa bị ảnh hưởng bởi lũ sớm do các tuyến đê bao để bảo vệ hơn 1.000ha dọc theo tuyến đê trên sông Vàm Cỏ. Nhưng nếu thời gian tới, mực nước tăng nhanh thì có thể ảnh hưởng 200ha. Trước tình hình trên, địa phương chủ động liên hệ Công ty tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ nông dân thu hoạch sớm, sấy và lưu kho trong 1 tháng. Hiện nay, xuất hiện tình trạng thương lái ép giá nông dân”.


Bơm nước ra cứu lúa

Hàng ngàn hecta lúa bị lũ đe dọa

Không riêng vì huyện đầu nguồn Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tại huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường cũng có hàng ngàn hécta lúa bị lũ đe dọa có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao. Vụ HT 2017, huyện Mộc Hóa gieo sạ 21.625 ha, đã thu hoạch 1.105 ha.

Chủ tịch UBND huyện - Lâm Hòa Xứng cho biết: “ Hiện nay, diện tích có khả năng bị ngập úng và thiệt hại là 5.319 ha, lúa đang ở giai đoạn 60-75 ngày, tập trung các xã Bình Hòa Tây (400 ha), Bình Hòa Trung (800 ha), Bình Hòa Đông (1.200 ha), Bình Phong Thạnh (670), Tân Thành (830 ha), Tân Lập (1.419 ha). Do khu vực này vùng trũng, một số nơi có kênh rạch ngang qua nhưng chưa có đê bao lửng. Mực nước các sông dâng cao, có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các thành viên được phân công phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ UBND các xã thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24, tập trung huy động nhân lực, phương tiện có thể cơ động được cùng với nhân dân gia cố các đoạn đê bao xung yếu, chủ động ứng phó với tình hình nước trên các sông lên nhanh và thời tiết bất lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra”.

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin: “Hiện mực nước lũ trên địa bàn huyện là 1,01 m, cao hơn cùng kỳ 0,37 m, cường suất lũ ngày và đêm tăng 0,05 – 0,07 m. Toàn thị xã có 14.562 ha lúa HT, trong đó thu hoạch 456 ha, diện tích còn lại có khoảng 8.059 ha bị ảnh hưởng của lũ. Trước tình hình trên, UBND thị xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia chống lũ, nhất là các xã, phường vận động người dân gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn cho sản xuất, đồng thời đấp các đập để ngăn không cho lũ tràn vào ruộng.

Hiện, thị xã đấp được 54 đập ngăn lũ, trong nhân dân đấp được 30 đập, bảo vệ được 3.616 ha. Thị xã huy động một số máy móc phục vụ cho công tác phòng chống lũ gia cố đê bao trên địa bàn các xã, phường. Đến nay, hầu như toàn bộ các diện tích có khả năng nước tràn vào được bảo vệ an toàn khoảng 4.443 ha”.


Lũ sớm, gây nhiều thiệt hại

Chủ động phòng chống

Trước tình hình diễn biến lũ ngày càng tăng nhanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “Để chủ động phòng chống lũ năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu các huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, có kế hoạch triển khai thi công gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ lúa, đồng thời chủ động thu hoạch diện tích lúa HT, nhất là các khu vực trũng thấp không có đê bao bờ bao an toàn; đẩy mạnh công tác tu bổ đê, kè, cống và các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai khác đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình, người dân trong đợt lũ.

Các huyện ĐTM cần rà soát diện tích lúa HT và thu đông, triển khai thi công gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn, vận động người dân không gieo sạ tại những vùng không có đê bao an toàn để tránh thiệt hại. Huyện Đức Huệ, Bến Lức rà soát diện tích sản xuất vùng chanh,… khẩn trương lập kế hoạch gia cố đê bao bảo vệ, bảo đảm phòng, chống lũ sớm cộng hưởng với triều cường và Hồ Dầu Tiếng xả tràn lũ. Các huyện cũng có kế hoạch kiểm tra các trạm bơm tiêu úng, bảo vệ khu dân cư, kế hoạch tu bổ, sửa chữa kịp thời đảm bảo tiêu úng cho khu vực”.

Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Sở phối hợp chặt chẽ các địa phương chủ động phòng tránh lũ sớm và đã gửi công văn đến các địa phương để có phương án chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường gia cố đê bao, nhằm chống ngập cho những diện tích lúa chưa thu hoạch, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Cùng với đó, các bộ phận chuyên môn của sở phối hợp tốt các địa phương, thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, có kế hoạch vận hành các cống thủy lợi, bảo đảm tiêu, thoát nước”.

Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tại vùng ĐTM do ảnh hưởng lượng nước lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với lượng mưa tại chỗ nên mực nước lũ tại hai huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng lên nhanh với cường suất trung bình 5-10cm/ngày, đêm. Đến nay, mực nước tại: Trạm Tân Hưng đạt 1,74 m (cao hơn cùng kỳ 0,72m); Trạm Vĩnh Hưng đạt 1,70 m (cao hơn cùng kỳ 0,62m), Trạm Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường đạt 1,01 m (cao hơn cùng kỳ 0,38m).

Dự báo đến ngày 10/8/2017: Mực nước lũ cao nhất trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 2,20m (cao hơn cùng kỳ 1,21m); Mực nước trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng lên mức 2,15m (cao hơn cùng kỳ: 1,17m); Mực nước trên Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường là 1,40m (cao hơn báo động I: 0,20m, cao hơn cùng kỳ: 0,94m). Đồng thời có khả năng gây ngập những vùng trũng thấp tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Kiến Tường./.
 

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết