Tiếng Việt | English

03/01/2024 - 10:22

Lừa đảo trên không gian mạng: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thời điểm cuối năm, các loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng, đáng chú ý là tội phạm sử dụng công nghệ cao phổ biến hơn với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người “sập bẫy”.

Công an tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân và công nhân, lao động cảnh giác

Hiện nay, có những chiêu lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vẫn “mắc bẫy”. Theo đó, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng giả danh cán bộ công an để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng; giả người nước ngoài nhắn tin làm quen rồi gửi quà về, sau đó đồng bọn sẽ gọi cho bị hại giả danh nhân viên sân bay yêu cầu chuyển tiền đóng phạt mới nhận được quà.

Ngoài ra, một số trường hợp bị hại không làm quen với các đối tượng trên mạng xã hội nhưng điện thoại vô tình nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền để nhận quà. Do muốn được nhận quà tặng nên có trường hợp vẫn chuyển tiền dù không quen biết ai ở nước ngoài.

Đáng chú ý, hiện nay, bằng công nghệ Deepfake/ Swapface, đối tượng lừa đảo tái tạo khuôn mặt và giọng nói, tạo video giả mạo nhằm thực hiện những cuộc gọi video ngắn, kém chất lượng, lấy lý do lỗi mạng để nạn nhân tin tưởng và thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

Cũng trên không gian mạng, nhất là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, với thủ đoạn tuyển nhân viên làm tại nhà để nhận hoa hồng, đối tượng nhắm đến các bà nội trợ, người nhàn rỗi để tư vấn, tiếp cận thông qua các bản tin rao trên mạng xã hội, như “Cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà, thu nhập hấp dẫn...”.

Sau khi chuyển khoản tiền cọc, phí mua hàng, bị hại không được nhận tiền hoa hồng như cam kết cũng như mặt hàng nhận về gia công; đồng thời, lúc này đối tượng chặn tài khoản và “lặn” mất tăm.

Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: “Liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong năm 2023, Công an huyện tiếp nhận 1 vụ lừa đảo qua mạng; phối hợp ngân hàng ngăn chặn kịp thời 1 vụ lừa đảo trên mạng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, Công an huyện đã triệt xóa 5 vụ/ 31 đối tượng liên quan đến cờ bạc qua mạng. Nhằm hạn chế các vụ việc, Công an huyện tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, Công an huyện phát hàng ngàn cẩm nang cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm đến tay người dân, nhất là chủ các cơ sở nhà trọ, cơ sở kinh doanh, buôn bán trên địa bàn. Việc tuyên truyền được thực hiện trực tiếp, qua mạng xã hội và loa phát thanh của huyện. Nhờ đó, việc người lao động là nạn nhân của các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng đã giảm rõ rệt”.

Hướng dẫn người dân và công nhân, lao động sử dụng mạng an toàn, hiệu quả

Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác và lưu ý một số điểm sau: Không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài 0099…, 0055..., 0088..., 001... Nếu nghe điện thoại của người lạ thì không làm theo hướng dẫn.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng,... cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ là ai. Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,... kể cả là của người thân, bạn bè.

Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn. Mọi người cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình và góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư./.

Việt Hằng

Chia sẻ bài viết


Đăng ký 4G Viettel tại vietteldata.vn