
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) trong cuộc gặp phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) tại thành phố Istanbul, ngày 29/3/2022 (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Kênh RT của Liên bang Liên bang Nga tối 14/5 đăng bài của nhà phân tích chính trị Vitaly Ryumshin cho rằng tầm quan trọng của các cuộc đàm phán tiềm năng này đã tăng lên nhanh chóng như một quả cầu tuyết lăn. Ban đầu chỉ là phản ứng của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trước lời kêu gọi của phương Tây về một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày bắt đầu từ ngày 12/5, nhưng giờ đây đã leo thang thành một màn kịch quốc tế mang tính sống còn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu dường như muốn bác bỏ đề xuất này Liên bang Ngay lập tức, nhưng sau áp lực – gần như mang tính tối hậu thư – từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã đảo chiều thái độ.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky lại đưa ra điều kiện, yêu cầu các cuộc đàm phán phải được tổ chức ngay lập tức ở cấp cao nhất, hoặc không tổ chức gì cả, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Liên bang Nga nếu các điều kiện của ông bị phớt lờ.
Kết quả là kỳ vọng về cuộc gặp tại Istanbul đã tăng vọt. Nhưng liệu điều đó có thực tế không? Liệu chúng ta thực sự đang đứng trước một bước ngoặt?
Nói tóm lại là “Không”. Cuộc gặp vào ngày 15/5, nếu thực sự diễn ra, gần như chắc chắn sẽ thất bại vì hai lý do rõ ràng.
Thứ nhất, không tồn tại điều kiện để có một cuộc đàm phán hòa bình thực sự
Về mặt quân sự, tình hình của Ukraine vẫn rất bấp bênh. Dù lực lượng của họ vẫn đang cố giữ các tuyến phòng thủ ở Donbass, nhưng tinh thần và nhân lực đang suy giảm. Một số vị trí đã bắt đầu sụp đổ rõ rệt. Thế nhưng về mặt chính trị, Kiev vẫn hành xử như thể họ đang nắm thế thượng phong, được khích lệ bởi sự hậu thuẫn của cái gọi là “Liên minh tự nguyện”, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Các quốc gia châu Âu này liên tục cản trở mọi nỗ lực nghiêm túc từ Washington nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình nhanh chóng.
Chiến lược hiện tại của ông Zelensky rất rõ ràng: Xoa dịu Tổng thống Trump vừa đủ để tránh bị phản ứng, nhưng không đi xa đến mức đồng ý với bất kỳ điều gì có thể ràng buộc Ukraine vào một thỏa thuận đàm phán. Ngay cả khi đang ở thế yếu, Kiev vẫn không hề tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ hay thậm chí là trực tiếp đối thoại với Moskva
Về phía Liên bang Nga, không có động lực nào để tham gia vào một tiến trình do phương Tây dàn dựng nhằm mang lại chiến thắng ngoại giao cho ông Trump. Liên bang Nga vẫn đang giữ vững phòng tuyến và tiếp tục mở rộng các vùng kiểm soát một cách đều đặn. Không có lý do gì để họ ngừng bắn vào lúc này khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang đạt được tiến triển.
Chiến lược hiện tại của Moskva là rõ ràng: Thử phản ứng của Kiev qua các cuộc tiếp xúc thăm dò, nhưng tránh ràng buộc vào bất kỳ lệnh ngừng bắn chính thức nào cho đến khi chiến dịch quân sự mang lại lợi thế lớn hơn. Điện Kremlin có mong muốn thực dụng là kéo dài thời gian, hoàn tất mục tiêu trong mùa xuân và mùa hè này, rồi mới đàm phán từ thế mạnh.
Loạt tối hậu thư qua lại gần đây giữa Kiev, Moskva và Washington không phải là ngoại giao mà đó là một ván bài chính trị đầy toan tính. Mỗi bên đều cố gắng kích động đối phương từ chối đàm phán, từ đó chiếm thế đạo đức. Thực chất, không bên nào thực sự muốn thương lượng nghiêm túc.
Thứ hai, tất cả các nỗ lực ngừng bắn trước đây đều thất bại và lần này cũng vậy
Đừng quên số phận của các nỗ lực trước đó: Ngừng bắn trên biển, tạm dừng tấn công vào hạ tầng năng lượng, và các lệnh ngừng bắn theo dịp như “Lễ Phục sinh” hay “Ngày Chiến thắng”. Tất cả đều sụp đổ do kỳ vọng phi thực tế, cách hiểu khác nhau giữa các bên, và hoàn toàn thiếu cơ chế thực thi.
Từ đầu năm nay, Mỹ đã phải xoay sở với nhiều hướng đi hòa bình mâu thuẫn nhau, hy vọng có thể kết hợp những đòi hỏi không thể dung hòa thành một thỏa thuận chung. Nhưng chưa có thỏa thuận chính thức nào được đạt, không có văn bản chung nào được ký kết, và cũng không có cơ chế giám sát thực sự nào được thiết lập. Mỗi bên có một định nghĩa riêng về “ngừng bắn”. Kết quả? Toàn lời nói, không hành động.
Bối cảnh dẫn đến Istanbul rất giống các thất bại trước. Không ai thực sự biết chương trình nghị sự là gì. Không rõ liệu hai bên có cùng quan điểm về nội dung cần thảo luận hay không. Thành phần các phái đoàn tới sát giờ cũng còn chưa rõ ràng.
Tổng thống Zelensky khẳng định ông sẽ tham dự trực tiếp, nhưng chỉ trong trường hợp gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Putin. Ông Zelensky nói rằng mình chỉ muốn thảo luận về lệnh ngừng bắn 30 ngày và không bàn gì khác. Trong khi đó, ông Putin dường như không quan tâm đến các màn ngoại giao hình thức. Nhà lãnh đạo Liên bang Nga không có lý do gì để xuất hiện chỉ để làm hài lòng phương Tây, và có nhiều khả năng sẽ tập trung vào thảo luận về hiệp ước cụ thể nếu và khi thời điểm thích hợp đến.
Tới nay, theo thông tin chính thức, tối 14/5 cho biết Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin đã công bố thành phần phái đoàn sẽ tham gia các cuộc đàm phán được đề xuất với Ukraine, dự kiến diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.
Đoàn đàm phán sẽ do trợ lý Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Medinsky, làm trưởng đoàn. Ông Medinsky là người từng đứng đầu phái đoàn của Moskva (Moscow) trong các cuộc thương lượng với Kiev năm 2022.
Thành phần phái đoàn còn bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu Cục Tình báo Quân sự Nga (GRU), ông Igor Kostyukov.
Bên cạnh các nhà đàm phán chính thức, ông Putin cũng công bố một nhóm chuyên gia sẽ tham gia hỗ trợ. Nhóm này bao gồm một số quan chức cao cấp trong lĩnh vực quân sự, dân sự cũng như ngoại giao.
Trong khi đó, theo RT, truyền thông Ukraine đưa tin rằng Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky, sẽ đến Istanbul cùng với một số quan chức cấp cao, bao gồm Chánh văn phòng Tổng thống Andrey Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Bộ trưởng Ngoại giao Andrey Sibiga. Tuy nhiên, thành phần cụ thể của đoàn đàm phán Ukraine dự kiến sẽ do chính ông Zelensky quyết định tại chỗ.
Về phần mình, Mỹ sẽ cử đại diện tham dự hòa đàm tại Istanbul.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận vào ngày 13/5 rằng Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tham dự. Hai đặc phái viên của Tổng thống Trump là các ông Steve Witkoff và Keith Kellogg, cũng sẽ đến Istanbul để theo dõi tiến trình đàm phán.

Máy bay chở phái đoàn Nga tới sân bay Ataturk ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán với đại diện Ukraine, ngày 28/3/2022 (Ảnh: THX/TTXVN)
Vậy điều này có ý nghĩa gì trên thực tế?
Ở kịch bản lạc quan nhất, các phái đoàn từ Moskva và Kiev sẽ đến Istanbul, tổ chức các cuộc họp riêng rẽ với trung gian Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi rời đi với một cam kết mơ hồ rằng “sẽ tiếp tục thảo luận”. Ở kịch bản tệ nhất, họ sẽ không gặp nhau chút nào, chỉ nói chuyện với người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ, rồi rời đi và đổ lỗi cho nhau vì phá hoại tiến trình.
Ở kịch bản tốt nhất, cái gọi là “tiến trình hòa bình Ukraine” có thể sẽ tiếp tục được duy trì thêm một thời gian nữa. Ở kịch bản tệ nhất, chúng ta có thể tuyên bố “tiến trình hòa bình Ukraine” đã chính thức “chết” và mọi hy vọng về tiến triển thực chất sẽ bị gác lại vô thời hạn.
Điều đó là bi kịch hay nhẹ nhõm còn tùy quan điểm mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn: Ngày 15/5 sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào cả. Hội nghị Istanbul sẽ chỉ là một chương nữa trong vở kịch dài và cay nghiệt của nền ngoại giao, nơi mỗi nhân vật bước lên sân khấu đã biết rõ kết cục của vở diễn./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-hoa-dam-ngaukraine-o-istanbul-da-that-bai-ngay-ca-truoc-khi-bat-dau-20250515080413876.htm