Tiếng Việt | English

15/01/2022 - 08:01

Lý do khiến NATO chưa sẵn sàng để Ukraine gia nhập liên minh

Giữa bối cảnh quân đội Nga tăng cường lực lượng ở biên giới, Ukraine đang hối thúc NATO kết nạp nước này trở thành thành viên. Dù vậy, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa sẵn sàng cho bước đi như vậy.

Những cuộc trao đổi căng thẳng tuần này giữa Mỹ, Nga và các thành viên châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cho thấy một điều rõ ràng: Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không để Moscow ngăn chặn mong muốn gia nhập NATO của Ukraine thì cũng chưa có kế hoạch trước mắt nào giúp Kiev gia nhập liên minh.

Quân đội Ukraine tham gia tập trận gần Kiev tháng 12/2021. Ảnh: Getty

Quân đội Ukraine tham gia tập trận gần Kiev tháng 12/2021. Ảnh: Getty

Nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, liên minh này sẽ có nghĩa vụ bảo vệ Kiev trước Nga cũng như các kẻ thù khác. Các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ không nhượng bộ Tổng thống Putin bằng việc làm suy yếu chính sách được quy định trong hiệp ước năm 1949 của NATO rằng liên minh này trao cho bất kỳ quốc gia châu Âu nào quyền yêu cầu gia nhập.

"Mỹ và các đồng minh NATO đã khẳng định rằng, chúng tôi sẽ không chấm dứt chính sách mở cửa của NATO - một chính sách luôn là trung tâm của liên minh", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R.Sherman cho hay.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Pháp và Đức từng phản đối việc kết nạp Ukraine vào NATO trong khi các quốc gia châu Âu khác cũng giữ thái độ thận trọng về vấn đề này. Trên thực tế, việc thông qua tư cách thành viên của một quốc gia trong NATO yêu cầu sự nhất trí tuyệt đối, tức là chỉ cần một thành viên không tán thành thì thỏa thuận sẽ không thể thông qua. Các lãnh đạo Nga và Mỹ hiểu rõ điều này.

Giữa bối cảnh Nga tăng cường lực lượng ở biên giới phía đông của Ukraine, một số quan chức và cựu quan chức phương Tây nhận định, Nga đang nêu ra vấn đề mở rộng NATO như một cái cớ để tiến hành tấn công Ukraine.

Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga cáo buộc Tổng thống Putin đang sử dụng vấn đề này để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề cấp bách khác.

"Mọi người đều đang nói về sự mở rộng NATO. Đột nhiên chúng ta tranh luận về một vấn đề mà nó thậm chí không phải là vấn đề. Đây là một lợi thế lớn cho ông ấy".

Giống như các nhà lãnh đạo châu Âu khác, Tổng thống Biden cũng không mấy mặn mà với việc Ukraine trở thành thành viên của NATO. Dưới đây là một số lý do:

Mỹ chưa sẵn sàng mở rộng các cam kết quân sự

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã thành công trong việc hối thúc NATO chấp nhận Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc trở thành những nước thành viên vào cuối những năm 1990. Ông Biden, khi đó là thành viên đứng đầu đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã khẳng định rằng, việc biến các cựu thù trong Chiến tranh Lạnh thành đồng minh sẽ đánh dấu "khởi đầu của 50 năm hòa bình mới" cho châu Âu. Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, các chuyên gia đánh giá, sự hăng hái của ông Biden đối với việc mở rộng NATO đã giảm đi đáng kể.

Năm 2004, 7 nước Đông Âu gia nhập NATO và năm 2008, cựu Tổng thống George W.Bush đã thúc đẩy NATO ra tuyên bố rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành các thành viên của liên minh trong tương lai, bất chấp những cảnh báo thận trọng của các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, NATO chưa bao giờ đưa ra cho một trong hai nước trên kế hoạch hành động chính thức, vốn là bước đi cần thiết để gia nhập liên minh.

Hồi tháng 6/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các thượng nghị sĩ rằng "chúng tôi ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO". Tuy nhiên, Tổng thống Biden lại có những bình luận công khai mềm mỏng hơn và "không mấy nhấn mạnh đến các cuộc trao đổi về việc kết nạp Ukraine vào NATO", hai học giả về chính sách đối ngoại Joshua Shifrinson và Stephen Wertheim bình luận hồi tháng 9 trên trang Foreign Affairs.

Năm 2014, khi còn là Phó Tổng thống, ông Biden khẳng định trong chuyến thăm Ukraine rằng, bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào của Mỹ với nước này đều sẽ chỉ ở mức thấp. Vào thời điểm đó, Nga vừa sáp nhập Crimea và bình luận của ông Biden khiến các quan chức Ukraine không mấy vui vẻ.

"Chúng ta không còn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nữa", ông Biden cho biết, đồng thời tuyên bố, "không có động thái quân sự nào mà Tổng thống Putin thực hiện có thể thay đổi căn bản các lợi ích của Mỹ".

Ukraine cần phải thay đổi

Để đáp ứng một trong 3 tiêu chí chính cho việc gia nhập NATO, một quốc gia châu Âu phải thể hiện cam kết của mình với nền dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ các quy định luật pháp. Trong khi các nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định họ đã đáp ứng được ngưỡng này thì một số quan chức Mỹ và châu Âu lại không cho là như vậy.

Trong một phân tích năm 2020, Tổ chức Minh Bạch Quốc tế - một tổ chức giám sát chống tham nhũng đã xếp Ukraine ở vị trí 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn tất cả các nước thành viên NATO.

Một số quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi về việc liệu Ukraine có thể đáp ứng tiêu chí thứ hai hay không, đó là đóng góp vào khả năng phòng thủ tập thể của NATO. Ukraine từng cử quân đội tham gia các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Afghanistan.

"Có những bước đi mà Ukraine cần thực hiện, đó là nỗ lực thúc đẩy hệ thống luật pháp, hiện đại hóa ngành quốc phòng và mở rộng sự tăng trưởng kinh tế", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.

NATO muốn tránh gia tăng căng thẳng với Nga

Nga đã nhiều lần khẳng định, việc Ukraine hoặc Gruzia gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ" của nước này. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Nga có thể sẽ khiến châu Âu phải trả giá nếu điều đó xảy ra, trong đó có việc trì hoãn xuất khẩu khí đốt. Đức và nhiều nước NATO khác không muốn một cuộc xung đột với Nga bùng nổ. Vì thế, với những lý do này, Ukraine gần như không thể đáp ứng tiêu chí quan trọng thứ ba để gia nhập NATO, đó là sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên.

Từ trái qua phải: Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksandr V. Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr V. Grushko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp tại Brussels ngày 12/1. Ảnh: New York Times

Từ trái qua phải: Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksandr V. Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr V. Grushko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp tại Brussels ngày 12/1. Ảnh: New York Times

"Một lý do phản đối căn bản là: Liệu động thái trên có thực sự đóng góp vào sự ổn định của châu Âu không, hay nó chỉ gây ra bất ổn. Theo tôi, một điều không cần phải tranh cãi là sẽ không có sự nhất trí từ cả 30 nước thành viên mặc dù tất cả các quốc gia này đều nhất trí Ukraine có quyền để mong muốn trở thành thành viên NATO", Douglas E. Lute - cựu Đại sứ Mỹ tại NATO bình luận.

Stephen M. Walt, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy cho biết, thậm chí vào những năm 1990, khi việc mở rộng NATO lần đầu tiên được đề xuất, nhiều chiến lược gia Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối.

Các nhà lãnh đạo Ukraine chưa đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO

Giới lãnh đạo Ukraine không phải lúc nào cũng quyết liệt gia nhập NATO và điều đó cũng đã định hình đến hướng tiếp cận của Mỹ.

Cựu Tổng thống Viktor Yushchenko muốn gia nhập liên minh này nhưng người dân Ukraine ngày càng ngần ngại sau những diễn biến ở Gruzia. Người kế nhiệm của ông - cựu Tổng thống Viktor Yanukovych thậm chí đã chuyển hướng việc tham gia NATO và thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga, đồng thời đồng ý để Moscow thuê cảng biển tại Crimea.

Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, các quan chức Mỹ khuyến khích Ukraine ký thỏa thuận liên kết chính thức với EU thay vì cố gắng gia nhập NATO. Dù vậy, hiện nay tâm lý muốn gia nhập NATO ở Ukraine đang gia tăng.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần nhắc về tư cách thành viên trong NATO với Tổng thống Biden. Trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9/2021, ông Zelensky nhận định: "Tôi muốn thảo luận với Tổng thống Biden tại đây về tầm nhìn của phía Mỹ liên quan đến cơ hội Ukraine gia nhập NATO cũng như khung thời gian cho sự tham gia này nếu có thể".

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã không phản hồi gì và bỏ qua những bình luận trên./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết