Tiếng Việt | English

15/09/2022 - 14:40

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

Mã số vùng trồng - yêu cầu quan trọng trong xuất khẩu nông sản

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xuất khẩu.

Nhiều tín hiệu tích cực

Hiện nay, một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand,... yêu cầu trái cây tươi và một số nông sản khác của Việt Nam phải trồng và đóng gói ở những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã cấp mã số thì mới được phép xuất khẩu sang thị trường các nước này nhằm mục đích theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong và ngoài nước, được xem là “tấm vé thông hành" đối với nông sản xuất khẩu. Do đó, việc cấp MSVT là điều kiện cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 217 vùng trồng được cấp mã số. Trong đó, vùng trồng thanh long được cấp 190 MSVT; vùng trồng chuối được cấp 2 MSVT; vùng trồng dưa hấu được cấp 13 MSVT; vùng trồng xoài được cấp 5 MSVT và vùng trồng chanh được cấp 7 MSVT. Song song đó, toàn tỉnh đã cấp 144 mã số đóng gói đối với các loại trái cây như chuối, chanh, thanh long,... để phục vụ việc xuất khẩu. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã cấp 133 mã số; các thị trường khác như Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản đã cấp 11 mã số.

Anh Trần Đăng Khoa kiểm tra sâu, bệnh trên vườn sầu riêng đang xây dựng mã số vùng trồng

Để trái sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng trên thế giới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung xây dựng MSVT cũng như các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm,... để xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch.

Toàn tỉnh hiện có hơn 320ha sầu riêng. Để trái sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng, ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn các nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp MSVT. Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Việc cấp mã vùng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất trái cây cũng như hàng nông sản để xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Sản phẩm mình làm ra không còn bị thương lái ép nữa”.

Để được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp MSVT, nhà vườn canh tác sầu riêng phải áp dụng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc như việc kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch Covid-19, ghi chép nhật ký sản xuất,... Khi vùng trồng được cấp mã số sẽ được bảo mật theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam.

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho rằng, việc xây dựng các vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, mã vùng trồng chính là “tấm vé thông hành” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) - Đỗ Quang Huế cho biết, để đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường trên thế giới, vùng trồng không được sử dụng các loại hoạt chất phòng trừ sâu, bệnh ngoài danh mục cho phép, nếu phát hiện vi phạm thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi nghiêm ngặt và tạm dừng nhập khẩu.

Tăng cường xây dựng, quản lý mã số vùng trồng

Những lợi ích của MSVT đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, so với tiềm năng xuất khẩu nông sản của tỉnh thì việc xây dựng và cấp MSVT còn khá hạn chế. Đáng nói, mặc dù là một trong những vựa lúa hàng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có vùng trồng lúa nào của tỉnh được cấp mã số.

Về thực trạng diện tích cây trồng được cấp mã vùng thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho rằng, nhiều nông dân vẫn chưa hiểu rõ về lợi ích mà MSVT mang lại. Mặt khác, việc quản lý MSVT còn chưa nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, hợp tác xã khi thiếu hàng xuất khẩu đã thu mua sản phẩm ở những nơi không nằm trong vùng được cấp mã số, bị đối tác nhập khẩu phát hiện, trả về và phải mất rất nhiều thời gian để đàm phán lại.

Nông dân thu hoạch chanh không hạt

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Sở đang đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT cho vùng trồng chuối của Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ), vùng trồng thanh long ruột đỏ của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (huyện Bến Lức) và khảo sát, nghiên cứu một số loại rau, củ, quả có thế mạnh xuất khẩu để sớm xây dựng MSVT. Song song đó, Sở tập trung thực hiện việc quản lý, giám sát cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói theo quy định; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã các quy định, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản.

“Nhằm bảo đảm điều kiện cho nông sản xuất khẩu, thời gian tới, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, chú trọng ứng dụng cơ giới, khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,... đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Sở đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tập trung mở rộng, phát triển thị trường nội địa thông qua các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ; quảng bá, giới thiệu về lợi ích của nông sản (đặc biệt là trái thanh long) tại các tỉnh, thành phố, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống,...; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, Sở sẽ thường xuyên phối hợp các địa phương biên giới phía Bắc nắm tình hình vận chuyển, tiêu thụ nông sản (thanh long, mít,...) tại các cửa khẩu biên giới; kịp thời cung cấp thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã để chủ động điều tiết nguồn hàng lên cửa khẩu.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để kết nối, quảng bá sản phẩm nông sản; thông tin tình hình, nhu cầu tiêu thụ nông sản; quy định về kiểm soát chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm;... của các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Nhìn chung, để công tác thiết lập, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói hiệu quả hơn, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nông dân./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết