Thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái
Diện tích lúa được phun xịt thuốc khoảng 8ha thuộc địa bàn ấp An Thủy, xã An Ninh Tây. Đây là diện tích lúa của các xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao An Long. Đợt phun lần này được HTX hỗ trợ 100% chi phí thuê máy bay. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long - Vương Trọng Nghĩa cho biết: “Qua thử nghiệm, nếu máy phun đạt hiệu quả như mong muốn, HTX sẽ họp Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên để đầu tư, trang bị máy bay phun thuốc phục vụ sản xuất”.
Việc phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái tại huyện Đức Hòa còn khá mới. Ông Phan Lê Phong Phú (ấp An Thủy, xã An Ninh Tây) chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác 1ha lúa, đợt này được thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Tôi thấy máy phun đều, thời gian phun nhanh. Phun thuốc bằng máy bay không ảnh hưởng đến sức khỏe người phun”.
Cũng được HTX hỗ trợ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích 1ha, bà Nguyễn Thị Dung (ấp An Thủy) cho biết: “Dù chưa đánh giá được hiệu quả nhưng tôi thấy phun thuốc bằng máy bay giúp giảm sức lao động, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Chi phí cho 1 lần phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái dao động từ 250.000-300.000 đồng/ha. Số tiền này không quá cao so với giá thuê lao động thủ công. Hiện nay, mỗi đợt phun xịt, HTX thuê nhân công 200.000 đồng/ha nhưng do lao động khan hiếm nên việc phun xịt thuốc bằng máy sẽ giải quyết được phần nào tình trạng thiếu lao động. Theo đánh giá chung, việc phun thuốc bằng máy sẽ giảm 29 lần lượng nước phun, giảm 20% lượng thuốc phun và tiết kiệm thời gian so với việc thực hiện thủ công. Tổng thời gian pha và phun xịt thuốc khi sử dụng máy bay khoảng 30 phút/ha.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái
Giám đốc HTX An Long - Đinh Văn Chăn cho biết thêm: “Việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ hiện đại góp phần giảm sức lao động, giảm tác động của thuốc đến môi trường và ảnh hưởng đến nguồn đất, nước. Nếu có mưa phùn, nhỏ, việc phun thuốc bằng máy vẫn đạt hiệu quả cao. Đợt phun xịt thuốc này, HTX An Long hỗ trợ chi phí thuê máy bay không người lái cho 20ha sản xuất lúa tại ấp An Thủy và An Ninh, xã An Ninh Tây”.
Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng máy bay là chi phí đầu tư máy móc, thiết bị khá cao, nông dân phải có kiến thức để sử dụng máy. Giải quyết bài toán này đòi hỏi người dân phải liên kết sản xuất, đồng loạt, diện tích tập trung và sử dụng cùng 1 loại giống,... Khi thực hiện được việc liên kết, hình thành những cánh đồng lớn thì việc phun thuốc bằng máy bay sẽ hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới. Hy vọng, tương lai, nông dân sẽ được tiếp cận nhiều hơn các trang thiết bị, máy móc hiện đại, có chất lượng và phù hợp với từng vùng, miền phục vụ sản xuất./.
Mai Nhã