Tiếng Việt | English

12/09/2018 - 09:57

Mô hình ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng

Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ Hè Thu 2018, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An triển khai thực hiện 8 mô hình (MH) (tỉnh 2 MH điểm, huyện 6 MH nhân rộng) với diện tích 520ha, ngoài ra, các xã thực hiện ƯDCNC vận động nông dân tự nhân rộng 6 vùng với diện tích hơn 1.250ha, hình thức áp dụng giảm giống.

Qua quá trình thực hiện cho thấy, các MH điểm của tỉnh và MH nhân rộng của huyện giảm lượng giống trung bình 20kg/ha và sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón từ 20-50kg/ha,

từ đó giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn; sử dụng nấm trắng, nấm xanh để ký sinh rầy nâu, góp phần tiêu diệt rầy nâu, không để gia tăng mật số, giảm được thiệt hại do rầy nâu gây ra, năng suất thu hoạch trong MH đạt cao hơn ngoài MH. Riêng các diện tích tự nhân rộng chủ yếu chỉ mới áp dụng trong khâu giảm giống, chưa áp dụng phân bón hữu cơ nên việc sản xuất ra sản phẩm theo hướng an toàn còn thấp.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình

Đối với MH điểm của tỉnh sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân 3,8 tấn lúa tươi/ha, giá bán 8.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 11 triệu đồng/ha. Mô hình này do công ty đầu tư bao lợi nhuận nên nông dân tham gia, lợi nhuận 17 triệu đồng/ha. MH sản xuất sản phẩm an toàn, năng suất bình quân 5,5 tấn lúa tươi/ha, giá bán 5.800 đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận 10 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài khoảng 2 triệu đồng/ha.

Các MH nhân rộng của huyện, năng suất thu hoạch đạt 5,5-6,5 tấn lúa tươi/ha, cao hơn năng suất ngoài MH 200-300kg/ha, giá bán 5.300-5.800 đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận bình quân 8-11 triệu đồng/ha, so với ngoài MH cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha.

Với diện tích người dân tự nhân rộng, năng suất thu hoạch đạt 5,3-6,2 tấn lúa tươi/ha, tương đương năng suất ngoài MH, giá bán 5.100-5.800 đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận bình quân 6-10 triệu đồng/ha, so với ngoài MH cao hơn khoảng 0,5 triệu đồng/ha do giảm giống, ít sâu, bệnh.

Anh Lê Văn Ngây, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, cho biết: “MH sản xuất ƯDCNC góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Việc sản xuất lúa ƯDCNC không phải mất nhiều công sức, giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống nên kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự liên kết “4 nhà” được phát huy, đầu ra sản phẩm ổn định nhờ chất lượng cũng như hợp tác với doanh nghiệp thu mua”.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, việc triển khai thực hiện MH sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn: Là MH mới, chi phí cấy ban đầu khá lớn nên nông dân còn e ngại khi tham gia MH; nông dân chưa quen áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cấy bằng máy, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học; các MH nhân rộng chưa gắn kết được sản xuất với tiêu thụ nên kết quả thực hiện chương trình còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân ngày càng nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết