Điểm mới của tuyến đường xanh, sạch, đẹp
Năm 2021, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An xây dựng thành công xã NTM nâng cao, từng bước hướng tới NTM kiểu mẫu. Các tiêu chí XDNTM, NTM nâng cao luôn được chú trọng nâng chất nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lắp đặt mã QR là điểm mới của mô hình Tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước
Việc quét mã QR trên các tuyến đường xanh, sạch, đẹp do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai là một nỗ lực nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của hội viên (HV) PN trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nơi công cộng, từng hộ gia đình cũng như xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Theo đó, các tuyến đường xanh, sạch, đẹp được dọn cỏ, chặt cây tạp, dây leo và thu gom rác phát sinh. Sau đó, HVPN xã trồng mới cây chiều tím dọc theo tuyến đường. Một điểm nhấn mới của mô hình là Hội tạo mã QR về các thông tin tuyến đường cụ thể như thời gian thực hiện, chiều dài, số cây trồng,... Bảng mã QR được cắm trên đường để người dân qua lại dễ dàng tiếp cận.
Khi quét mã QR trên những tấm biển dọc tuyến đường, người dân không chỉ biết tên đường, chiều dài mà còn biết thêm về sự nỗ lực của các HVPN, người dân địa phương trong việc chăm sóc từng cây xanh, khóm hoa, dọn vệ sinh để làm đẹp tuyến đường. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự chung tay, góp sức của cộng đồng để tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp tại thôn quê.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Sơn - Trần Thị Mỹ Hiền cho biết: “Việc tạo mã QR nhằm góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Khi quét mã, HV, người dân tiếp cận thông tin, hình ảnh về tuyến đường cũng biết thêm về hành trình xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao ý thức cũng như vận động thêm HV, người dân tham gia chăm sóc, trồng hoa xây dựng tuyến đường ngày đẹp hơn”.
Để người dân hiểu rõ quê hương
Việc ứng dụng công nghệ số vào đời sống cũng như góp phần XDNTM đang dần trở nên gần gũi và quen thuộc. Tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, việc ứng dụng công nghệ số cũng được áp dụng trên các tuyến đường nhưng bằng một cách hoàn toàn khác.
Mô hình Tuyến đường số được triển khai vào đầu năm 2024 tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc
Từ đầu năm 2024, người dân xã Mỹ Lộc bắt đầu thấy đoàn viên, thanh niên trong xã triển khai khảo sát các tuyến đường trên địa bàn xã, thu thập thông tin tuyến đường. Sau đó, các bảng mã QR được lắp đặt trên một số tuyến đường chính, thu hút sự chú ý của người dân.
Ông Đoàn Trần Thắng (ấp Phước Hậu, xã Mỹ Lộc) cho biết: “Tôi đã nhiều lần dùng điện thoại để quét mã QR, thông tin hiển thị chi tiết và dễ hiểu, thao tác thực hiện cũng rất dễ dàng. Bên cạnh tiểu sử của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi còn nắm được thêm thông tin về vị trí, chiều dài và lộ giới của tuyến đường. Điều này thực sự thú vị và ý nghĩa. Tôi cho rằng, cách làm này không chỉ giúp nhiều người hiểu rõ hơn về các nhân vật lịch sử của địa phương mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Những điều ông Thắng cảm nhận được cũng chính là mục tiêu mà Đoàn xã Mỹ Lộc hướng tới khi triển khai, thực hiện mô hình Tuyến đường số. Đây là mô hình phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên trong tham gia chuyển đổi số cộng đồng, góp phần giúp Mỹ Lộc tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Đến nay, Mỹ Lộc có 8 tuyến đường được lắp mã QR gồm: Trần Văn Thôi, Lương Văn Tiên, Đoàn Văn Diệu, Lê Thị Phu, Dương Thị Hai, Ngô Thị Xứng, Nguyễn Thị Bầy, Phạm Văn Trực.
Bảng mã QR được lắp đặt ngay phía dưới tên đường
Bí thư Đoàn xã Mỹ Lộc - Trần Thị Hồng Thủy cho biết, mã QR có kích thước 20x 40cm, lắp phía dưới bảng tên đường. Mỗi mã QR bao gồm thông tin về lịch sử tên đường, chiều dài, quy mô,... Ngoài ra, mã QR còn được tích hợp vị trí định vị trên bản đồ để phục vụ người dân truy cập và giới thiệu thêm các thông tin hữu ích về tuyến đường. Đây là hoạt động thiết thực của Đoàn xã Mỹ Lộc trong việc ứng dụng công nghệ số vào tuyên truyền, giáo dục lịch sử; đồng thời, góp phần XDNTM tại địa phương.
“Mô hình nhằm giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho đoàn viên, HV, thanh niên, vì thế chúng tôi chọn các tuyến đường được đặt tên các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng để thực hiện nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân của tuổi trẻ. Nguồn cung cấp thông tin lịch sử do ngành Văn hóa huyện, xã hỗ trợ. Kỳ vọng trong những năm tiếp theo, công trình thanh niên Tuyến đường số sẽ là cơ sở dữ liệu cơ bản, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân khi muốn truy cập thông tin về tuyến đường trên địa bàn xã” - chị Trần Thị Hồng Thủy nói.
Việc ứng dụng mã QR trên các tuyến đường tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc là ý tưởng hay, ý nghĩa, sử dụng giải pháp công nghệ để truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử đến cộng đồng; đồng thời, góp phần XDNTM tại các địa phương./.
Thu Lam - Minh An