Tiếng Việt | English

30/10/2024 - 18:46

Khi mã QR ra chợ

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến. Giờ đây, quét mã QR khi thanh toán không chỉ có ở các siêu thị, cửa hàng lớn,... mà còn phổ biến tại các khu chợ truyền thống. Khi mã QR ra chợ, việc mua sắm trở nên nhanh chóng, thuận lợi và an toàn hơn.

Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt

Từ tháng 10/2023, TP.Tân An, tỉnh Long An bắt đầu triển khai, thực hiện “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” tại đường Nguyễn Trung Trực (từ cầu Đúc đến đường Cách Mạng Tháng Tám và từ Quốc lộ 1 đến cầu Đúc), đường Hùng Vương (đoạn từ ngã tư đường Châu Thị Kim đến đường Nguyễn Đình Chiểu). Mô hình này được sự ủng hộ của người dân, góp phần thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, áp dụng nền tảng công nghệ số, hình thành xã hội số văn minh trên địa bàn thành phố.

Không chỉ một số tuyến phố thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng áp dụng quét mã QR khi mua bán. Cửa hàng mua bán sỉ và lẻ gạo Lan Khiết (phường 2, TP.Tân An) đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt và ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn. Chị Vũ Thị Lan Khiết - chủ cửa hàng, chia sẻ: “Lâu nay, cửa hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Gần đây, nhiều người hỏi quét mã QR nên tôi áp dụng để có thêm kênh thanh toán tiện lợi cho khách hàng”.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn. Chị Trần Mai - nhân viên văn phòng tại phường 3, TP.Tân An, thường mua thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các cửa hàng tiện lợi. Chị Mai cho biết: “Tôi chuộng thanh toán bằng mã QR vì không cần phải mang theo tiền mặt. Việc thanh toán nhanh chóng, chính xác, nếu xảy ra sai sót cũng dễ dàng truy xuất qua lịch sử thanh toán”.

Chị Trần Mai (nhân viên văn phòng tại phường 3, TP.Tân An) thường xuyên thanh toán bằng mã QR khi mua thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi

Tại tiệm Trà Nâu (phường 2, TP.Tân An), việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ mang lại sự tiện lợi mà qua đó, chủ quán còn phát triển thêm các chương trình mini game nhận quà khi khách hàng mua nước uống, góp phần thu hút khách hàng.

TP.Tân An triển khai “Tuyến phố không dùng tiền mặt” nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của thành phố. Đến nay, không chỉ các tuyến phố được chọn làm điểm mà việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng, quán ăn và nhiều tuyến phố khác,... tạo sự thuận lợi cho người dân.

Đến nay, có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 279 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money. Toàn tỉnh hiện có 2.275.567 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

Quét mã QR khi đi chợ

Nếu trước kia, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có ở các cửa hàng, siêu thị thì nay mã QR đã ra chợ. Tại quầy thịt của chị Thanh Trúc (phường 2, TP.Tân An), người nhiều đến mua và thanh toán bằng cách quét mã QR. Chị Trúc chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng không biết mã QR là gì nhưng thấy nhiều khách hỏi nên cũng tạo mã để khi cần thanh toán thì có. Mấy chị em bạn hàng ở chợ cùng chia sẻ kinh nghiệm. Bây giờ, số lượng khách hàng thanh toán bằng mã QR cũng “xêm xêm” với khách mua bằng tiền mặt”.

Khi sử dụng hình thức thanh toán mã QR, người dùng tiết kiệm thời gian, thay vì phải chuẩn bị tiền lẻ thì chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại, quét mã QR và hoàn tất giao dịch trong vài giây. Điều này đặc biệt hữu ích trong những giờ cao điểm khi chợ đông đúc. Việc mang theo nhiều tiền mặt khi đi chợ tiềm ẩn rủi ro như bị mất cắp hoặc nhầm lẫn. Thanh toán bằng mã QR an toàn hơn và có lưu lại giao dịch nên dễ dàng xem khi có nhầm lẫn. Hầu hết các ứng dụng thanh toán bằng mã QR đều có tính năng theo dõi lịch sử giao dịch. Điều này giúp người dùng dễ dàng quản lý chi tiêu và lập kế hoạch tài chính.

Nhiều tiểu thương ở chợ cũng trang bị mã QR để khách hàng dễ thanh toán

Ngoài ra, ứng dụng quét mã thường xuyên có các chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng thanh toán bằng mã QR. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng mã QR cũng gặp một số trở ngại vì đường truyền mạng ở một số nơi, khu vực không ổn định, gây gián đoạn trong quá trình thanh toán. Cũng có trường hợp, sau khi quét mã, kẻ gian giả mạo thông báo giao dịch thành công để thông báo đã thanh toán.

Bà Trần Thị Lan bán rau tại chợ phường 1, TP.Tân An, kể: “Hôm đó, có một cô đến mua rau, củ về nấu đám giỗ. Lúc tính tiền là 780.000 đồng, cô ấy quét mã thanh toán 800.000 đồng và lấy thêm nắm ớt. Rõ ràng, cô ấy có cho tôi xem giao dịch chuyển khoản thành công 800.000 đồng nhưng mấy ngày sau cũng không thấy tài khoản thông báo đã nhận tiền. Tôi nhờ đứa cháu tra cứu lịch sử giao dịch thì không có giao dịch này. Mấy bạn hàng xung quanh cũng có người gặp trường hợp như vậy. Có thể người mua đã chụp màn hình một giao dịch khác rồi đưa cho tôi xem. Việc quét mã QR này mới, những người lớn tuổi như tôi còn khó khăn khi tiếp cận nhưng từ từ cũng quen thôi, khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng mã QR thì mình phải có mã”.

Không phủ nhận thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích nhưng một số đối tượng lừa đảo lợi dụng việc này để tung ra những chiêu lừa. Người bán cần cảnh giác với những thủ đoạn tương tự khi có giao dịch chuyển tiền. Bên cạnh đó, để hình thức thanh toán này được phổ biến rộng rãi, cần có sự nỗ lực từ đầu tư hạ tầng số, thay đổi thói quen của người dân,.../.

Hi Hiên

Chia sẻ bài viết