Chương trình khám và phát hiện bệnh tim mạch cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phát biểu tại chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới diễn ra ngày 24/9, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Theo Phó giáo sư Hùng, nhiều người cho rằng bệnh tim mạch chỉ gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên trong thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên khá cao và ngày càng trẻ hóa. Người trẻ thường nghĩ rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên họ thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội.
Đáng chú ý, mô hình bệnh tật ngày càng có sự thay đổi. Lối sống công nghiệp, ô nhiễm môi trường, thừa cân, béo phì... đã khiến con người phải đối mặt với các bệnh không lây nhiễm, bệnh nội tiết, bệnh ung thư và đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.
Chính những bệnh không lây nhiễm khi kết hợp với virus SARS-CoV2 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới cướp đi 17,9 triệu sinh mạng.
Thống kê mới nhất của Viện Tim mạch cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Do vậy, từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNESCO chọn ngày 29 tháng 9 hàng năm là “Ngày tim mạch Thế giới” với các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, hướng dẫn mọi người chỉ bằng cách không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày có thể giúp mỗi người tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim và đột quỵ.
Năm 2012, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tại liên hợp quốc quyết tâm giảm tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh không lây nhiễm khoảng 25% vào năm 2025.
Ngày Tim mạch Thế giới năm nay với chủ đề: "Trái tim chữa lành những trái tim" là một chiến dịch toàn cầu trong đó các cá nhân, gia đình, cộng đồng và chính phủ trên khắp thế giới tham gia vào các hoạt động để chịu trách nhiệm về sức khỏe tim mạch cho mỗi cá nhân và cho xã hội.
Chương trình đi bộ cổ động vì sức khoẻ trái tim. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thông qua chiến dịch này, Liên đoàn Tim mạch Thế giới liên kết mọi người từ tất cả các nước trong cuộc chiến chống lại gánh nặng bệnh tim mạch và truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động quốc tế để khuyến khích vì một trái tim khỏe mạnh trên khắp thế giới.
Để hưởng ứng ngày tim mạch Thế giới năm nay, Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam kết hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động thực tế tại cộng đồng vào ngày 24/9.
Tại chương trình khám và phát hiện bệnh tim mạch cho người dân xã Bằng An, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, đã có hơn 500 người dân được khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường... Chương trình đi bộ cổ động vì sức khoẻ trái tim tại Quảng trường trung tâm Thành phố Bắc Ninh với sự tham gia của khoảng hơn 2.000 người mọi lứa tuổi; Chương trình toạ đàm "Sức khoẻ tim mạch và cách phòng trừ bệnh tim mạch".../.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện những lời khuyên cho một trái tim khỏe:
• Kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng (nếu thừa cân).
• Không hút thuốc lá, thuốc lào.
• Không ăn nhiều mỡ động vật.
• Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn) (dưới 6gr muối / ngày)
• Tập đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.
• Hạn chế uống rượu bia.
• Tránh lo âu, căng thẳng, nên tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, vui vẻ.
• Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình. Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.
|
Theo TTXVN