Công ty CBRE vừa công bố “Khảo sát người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Xu hướng mua sắm trực tuyến”.
Khảo sát này tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, cho thấy mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống để trở thành hình thức mua sắm phổ biến nhất tại thị trường châu Á. Người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 24 được gọi là thế hệ Z – giữ vai trò chủ đạo trong thị trường bán lẻ khu vực trong vài năm tới. Vì thế, “các chủ đầu tư và nhà bán lẻ cần phải chủ động hơn nữa để duy trì ưu thế cạnh tranh” – CBRE khuyến nghị.
Theo phân tích của CBRE, trong khi 50% người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương vẫn trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng, thì số liệu mới được công bố tại các thị trường mới nổi cho thấy rằng, 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%) và Đài Loan (55%).
Ông Jonathan Hsu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Các thị trường mới nổi thường thiếu hụt không gian bán lẻ chất lượng, đặt biệt ở các thành phố cấp thấp, nhưng lại có lợi thế về công nghệ và hệ thống kho bãi, đồng nghĩa với việc bán lẻ trực tuyến là cách hiệu quả nhất cho các nhà cung cấp để tiếp cận được khách hàng.”
Cùng với sự tiện lợi, giá cả cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. 63% người tham gia khảo sát cho rằng đó là yếu tố quyết định chính và đó cũng là câu trả lời của những người mua sắm tại cửa hàng.
Ông Joel Stephen, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Bán lẻ CBRE Châu Á cho hay: “56% người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sử dụng máy tính bàn hoặc máy tính xách tay (laptop) để kiểm tra giá các sản phẩm trên mạng, do đó việc minh bạch giá là điều quan trọng mà các nhà bán lẻ phải cân nhắc.
Theo Joel Stephen, tại Trung Quốc và Hàn Quốc, có đến 2/3 lượng người tiêu dùng lựa chọn giá thành thấp và ưu đãi tốt hơn là lý do chính ẩn sau quyết định mua sắm trên mạng của họ. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, những thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là thương hiệu cao cấp, thường có giá cao hơn các thương hiệu khác trong khu vực do phải chịu thêm các khoản phí nhập khẩu, tỷ giá trao đổi và chi phí mô hình nhượng quyền thương hiệu. Điều này có thể thúc đẩy người tiêu dùng chọn lựa các kênh mua sắm thay thế như thị trường trực tuyến nước ngoài để có được giá tốt hơn.
CBRE cho rằng, khả năng so sánh các sản phẩm mà không cần phải đi đến các cửa hàng hiện hữu là một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy người tiêu dùng trong khu vực khi mua sắm trên mạng. Xu hướng này ngày càng thể hiện rõ hơn tại các thị trường mới nổi với những trung tâm mua sắm hoặc thương hiệu cao cấp thường nằm cách xa nhau như Việt Nam (64%), Trung Quốc (61%) và Ấn Độ (58%)./.
Xuân Thân/VOV.VN