Tiếng Việt | English

17/02/2021 - 15:15

Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp.


Sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh của VinSmart (Tập đoàn Vingroup) trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển," Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai chương trình hành động gắn kết nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết triển khai Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ, năm 2021, Bộ phối hợp sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quy định khác có liên quan như thuế, đầu tư, đất đai... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Bộ xây dựng các chính sách và thể chế đột phá cho việc thí điểm triển khai các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao. Bộ hoàn thiện quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.

Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ thực thi có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài.

Đồng thời, Bộ thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Đặc biệt, Bộ chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Bộ tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin về hệ thống đổi mới sáng tạo; kết quả đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo theo các bộ chỉ số của quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện. Năm 2021, Bộ phấn đấu chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (gồm quy định về thủ tục hành chính bao gồm cả quy định về báo cáo; quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh; quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, Bộ đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ; Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại, chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội; thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ và Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh tiến độ thanh toán điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Năm 2021, Bộ sẽ đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước phù hợp với lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Đồng thời, Bộ thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, chú trọng bồi dưỡng công chức, viên chức theo các ngạch, bậc, tiêu chuẩn chức danh.

Bộ Khoa học-Công nghệ đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền...; đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, Bộ thực hiện có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


chọn mua sim đẹp giá gốc tại khosim.comDịch vụ proxy Việt Nam uy tíndịch vụ dịch vụ in decal giá rẻ Green Screen Fujifilm https://vinlock.com.vn/ vinlock in decal Chọn mẫu Máy in 3D Giá rẻ đẹp iphone 15