Phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương
Cần Đước là địa phương có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến nay, huyện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó, 7 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao. Nhắc đến sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Cần Đước, không thể không nhắc lạp xưởng Cô Châu. Cơ sở lạp xưởng này ra đời cách đây hơn 40 năm. Hiện bà Lưu Thị Kim Châu tiếp nối nghề truyền thống của gia đình với sản phẩm lạp xưởng tươi Cô Châu. Lạp xưởng được làm từ thịt heo tươi, ướp theo công thức gia truyền và phơi trực tiếp dưới nắng, những ngày mưa, cơ sở mới sử dụng đến phương pháp sấy. Năm 2021, lạp xưởng Cô Châu được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa lạp xưởng Cô Châu đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hiện nay, lạp xưởng Cô Châu có mặt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), từng bước đến với thị trường ngoài tỉnh.
Đạt chuẩn OCOP là điều kiện thuận lợi để lạp xưởng Cô Châu, huyện Cần Đước phát triển hơn
Một sản phẩm nổi tiếng khác của huyện Cần Đước đạt chuẩn OCOP 4 sao là mắm Bà Thạo. Vừa qua, 7 sản phẩm của Công ty (Cty) TNHH Mắm Bà Thạo (mắm ruốc, mắm cá sặt, mắm cá linh, mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa leo, mắm cà pháo) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Các sản phẩm từ cây chùm ngây của Cty TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) cũng là một trong những sản phẩm OCOP của Long An được nhiều người biết đến. Giá trị dinh dưỡng và dược tính từ lá, hạt chùm ngây rất tốt cho sức khỏe. Sau thời gian nghiên cứu, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn đã cho ra đời những sản phẩm từ chùm ngây với thương hiệu Vườn Nhà Mình như bột chùm ngây, trà chùm ngây, bánh chùm ngây, tinh dầu chùm ngây,... Năm 2021, các sản phẩm của Cty Vườn Nhà Mình được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Quy trình sản xuất mắm Bà Thạo, huyện Cần Đước vừa ứng dụng khoa học - kỹ thuật, vừa sử dụng phương pháp truyền thống, góp phần nâng tầm sản phẩm
Chương trình OCOP giúp phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Đến nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đều triển khai vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các cấp, ngành hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Tuy nhiên, còn một số địa phương gặp khó khăn trong thực hiện chương trình, chưa chọn được sản phẩm đặc trưng hoặc các sản phẩm được chọn chưa đạt chuẩn OCOP. Nguyên nhân chính vẫn là người dân chưa hiểu hết về những lợi ích mà chương trình mang lại, còn sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, chưa quan tâm đến việc đăng ký chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm hàng hóa.
Đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng
Có thể thấy, các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đều ít nhiều khẳng định được chất lượng trên thị trường. Sản phẩm OCOP gắn với các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng, miền. Việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối,... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn.
Các sản phẩm mắm Bà Thạo, huyện Cần Đước từng bước tiếp cận thị trường qua các hội chợ xúc tiến thương mại
Một trong những yếu tố để sản phẩm OCOP vươn xa là việc quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử (TMĐT). Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của Long An đã được “xuất ngoại” qua sàn TMĐT. Theo anh Trần Chấn Thiên (đại diện Cty TNHH Mắm Bà Thạo), các sản phẩm mắm đều có bán tại các chợ truyền thống và một số sàn TMĐT. Được công nhận đạt chuẩn OCOP là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm mắm của Cty đến gần hơn với người tiêu dùng. Sắp tới, Cty sẽ tiếp cận những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,... để giới thiệu, quảng bá về món đặc sản của vùng quê Cần Đước cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tương tự, lạp xưởng Cô Châu và các sản phẩm từ chùm ngây của Vườn Nhà Mình cũng đã lên sàn TMĐT và được quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại, qua đó đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Để đẩy mạnh và đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến mẫu mã bao bì,... từ đó, đáp ứng được các tiêu chí đánh giá phân hạng của hội đồng đánh giá.
Tạo điều kiện đưa các sản phẩn OCOP đến với người tiêu dùng, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT; đồng thời, hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bán tại những siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi và từng bước tiếp cận với thị trường nước ngoài. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ những chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; xây dựng phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm”./.
Tâm An