Kho hàng hóa tại điểm livestream bán hàng trực tuyến
Còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý
Những năm qua, việc trao đổi, mua bán hàng hóa thông qua nền tảng số như Facebook, Zalo, YouTube và bán hàng trên các sàn TMĐT, các website,... ngày càng được mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến từ thành thị đến nông thôn.
Hàng hóa được bán qua hình thức livestream rất đa dạng. Từ quần, áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng cho đến thực phẩm, thức ăn nhanh, các sản phẩm, vật tư phục vụ nông nghiệp, hàng tiêu dùng, chỉ cần đặt là được cung cấp tận nơi nhanh chóng.
Hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Việc này có rất nhiều tiện lợi và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ hiện nay. “Chỉ cần ngồi ở nhà đặt mua qua mạng là sau đó hàng hóa được giao đến tận nơi” - chị Nguyễn Thị Hường (TP.Tân An) chia sẻ.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - Võ Thiện Ngộ cho biết: “Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong việc giám sát, phát hiện, xử lý hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quản lý thu thuế,...”.
Thực tế hiện nay, phần lớn người livestream bán hàng là tự phát, không có đăng ký kinh doanh, địa điểm kinh doanh. Còn các website TMĐT bán hàng khi thực hiện giao dịch, thanh toán thường không ghi địa chỉ hoạt động kinh doanh. Do đó, khi phát hiện các đối tượng bán hàng có dấu hiệu vi phạm, rất khó xác định thông tin, địa chỉ để kiểm tra, xử lý vi phạm,...
Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng Cục QLTT tỉnh triển khai, quán triệt nhiều kế hoạch, giải pháp đến các đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động TMĐT. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của lực lượng QLTT là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số. Đây là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cuối năm.
Để thực hiện đạt hiệu quả, trong quí I/2024, Cục QLTT tỉnh thành lập Tổ TMĐT. Các thành viên có nhiệm vụ rà soát các chủ tài khoản livestream bán hàng, các website TMĐT bán hàng có dấu hiệu vi phạm để chuyển giao thông tin cho các Đội QLTT địa bàn rà soát và tổ chức kiểm tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Chủ động phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo ông Võ Thiện Ngộ, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trong tỉnh tiến hành kiểm tra 32 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa bằng hình thức livestream và bán hàng trên website TMĐT. Qua đó, phát hiện, xử lý 30 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 13 trường hợp livestream bán hàng có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 8 trường hợp không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan chức năng có thẩm quyền; 5 trường hợp vi phạm về nhãn; 4 trường hợp vi phạm về biển hiệu.
Ngành chức năng tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 823 triệu đồng; tịch thu 2.000kg sành, sứ, gốm, thủy tinh các loại (đã qua sử dụng), 39 điện thoại di động (đã qua sử dụng), 10 hộp sáp thơm, 100 đôi dép, 5.179 đơn vị sản phẩm quần, áo, 77 máy hút thuốc lá điện tử, 585 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại và 583 đơn vị sản phẩm gồm quạt điện, bình giữ nhiệt, máy pha cà phê và nhiều hàng hóa khác.
Gần đây, lực lượng QLTT còn phối hợp lực lượng công an kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp livestream bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nổi cộm như vụ Đội QLTT số 1 phối hợp Công an huyện Đức Hòa kiểm tra điểm livestream bán hàng trực tuyến qua nền tảng Facebook, phát hiện 3.015 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, Đội QLTT số 1 phối hợp Công an xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa) kiểm tra cơ sở đang livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng Facebook, phát hiện, tạm giữ 2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đội QLTT số 6 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra và phát hiện vị phạm một điểm livestream bán hàng qua nền tảng Facebook. Từ đó, tạm giữ 2 tấn hàng hóa gồm ly, chén, dĩa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ông Võ Thiện Ngộ, thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục xây dựng các kế hoạch, giải pháp và tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành rà soát, kiểm tra các website TMĐT bán hàng có đặt hàng trực tuyến; các website cung cấp dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng, phương pháp kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT cho các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương.
Cùng với đó, các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thuế với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, bán hàng trên các trang mạng xã hội; chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin tài liệu, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo người dân về các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT./.
Ngày 04/7/2024, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Trước đó, ngày 06/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 56/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. |
Lê Đức