Tiếng Việt | English

16/12/2023 - 18:10

Ngăn ngừa bạo lực gia đình

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần theo từng năm nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra BLGĐ.

Bạo lực gia đình - nguyên nhân từ đâu?

Theo số liệu thống kê từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, từ năm 2018 đến cuối năm 2022, TAND 2 cấp tỉnh thụ lý 23.573 vụ án ly hôn. Trong đó, có 210 vụ ly hôn liên quan đến BLGĐ, chiếm 0,82%; 1.668 vụ ly hôn do mâu thuẫn kinh tế gia đình, chiếm 7,51%.

Qua thực tế giải quyết các vụ án ly hôn cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn chủ yếu do thiếu kỹ năng xử lý các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, không phù hợp quan điểm sống hoặc các khó khăn về kinh tế. Còn theo số liệu của ngành Văn hóa, qua ghi nhận, tổng hợp, từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh xảy ra 355 vụ BLGĐ. Nạn nhân trong các vụ BLGĐ chủ yếu là phụ nữ.

Hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực thân thể chiếm 202 vụ, bạo lực tinh thần 100 vụ và bạo lực kinh tế 53 vụ. Trong đó, biện pháp xử lý đối với người gây BLGĐ chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính với 188 vụ và góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư 154 vụ, xử lý hình sự 12 vụ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 19 vụ và giáo dục tại xã, phường, thị trấn 1 vụ.

Trong cuộc sống gia đình thường xảy ra những mâu thuẫn, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dễ dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình (Trong ảnh: Tiểu phẩm minh họa hòa giải mâu thuẫn gia đình tại Ngày hội Gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu tỉnh Long An năm 2023)

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm nhưng tính chất, hành vi bạo lực xảy ra trong các vụ việc còn nghiêm trọng.

Qua ghi nhận từ các vụ việc, nguyên nhân dẫn đến BLGĐ chủ yếu do cờ bạc, rượu chè, quan niệm bất bình đẳng giới, thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột gia đình. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc nhiều gia đình chịu áp lực do điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng không chung thủy, mâu thuẫn tích tụ lâu ngày không được giải quyết dứt điểm.

Cần đưa tiêu chí phát hiện bạo lực gia đình được cộng điểm thi đua

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn âm ỉ trong đời sống hôn nhân - gia đình. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ bởi tư tưởng trọng nam, bất bình đẳng giới, một số phụ nữ dù chịu cảnh bạo lực nhưng chưa mạnh dạn lên tiếng do sợ mất uy tín gia đình và thường cam chịu.

Mặt khác, hiện nay, còn tình trạng sợ bị trừ điểm thi đua khi địa phương phát hiện vụ việc liên quan đến BLGĐ. Do đó, bà Thắm kiến nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các ngành liên quan nên xem xét ban hành quy định mới trong phòng, chống BLGĐ.

Trong đó, nên xem xét, nơi nào phát hiện BLGĐ thì được cộng điểm thi đua; nơi nào người dân trình báo về BLGĐ mà địa phương không ghi nhận giải quyết thì bị trừ điểm. Điều này sẽ giúp việc phòng, chống BLGĐ hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Đi tìm giải pháp

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Sở tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng, nhất là triển khai, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn hướng dẫn các địa phương thành lập câu lạc bộ (CLB), nhóm phòng, chống BLGĐ và các CLB liên quan đến công tác gia đình. Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 203 CLB, mô hình phòng, chống BLGĐ; 790 CLB gia đình phát triển bền vững; 852 nhóm phòng, chống BLGĐ; 901 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng về phòng, chống BLGĐ; 617 đường dây nóng để tố giác về hành vi BLGĐ và 245 mô hình hoạt động độc lập liên quan đến gia đình.

Gia đình hạnh phúc sẽ không có bạo lực (Ảnh minh họa)

Đến nay, việc triển khai công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ được các cấp, các ngành quan tâm và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngoài những kết quả đã đạt, những thuận lợi như trên, công tác phòng, chống BLGĐ còn những khó khăn nhất định khi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra BLGĐ. Trước tình hình đó, theo Phó Trưởng phòng Quản lý gia đình văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Phát, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới.

Trong đó, giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội, nâng cao nhận thức của cả 2 giới về quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, gắn với phát huy công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình để ngăn chặn kịp thời nguy cơ xảy ra BLGĐ.

Ngoài ra, Sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; xây dựng ấp, khu phố văn hóa, trong đó, đưa tiêu chí không có BLGĐ, không lạm dụng rượu, bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa và đưa nội dung phòng, chống, BLGĐ vào quy ước ấp, khu phố văn hóa và xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

“Đặc biệt, để ngăn ngừa, răn đe các hành vi BLGĐ, khi phát hiện vụ việc, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người, là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước” - ông Nguyễn Ngọc Phát cho biết./.

Còn tình trạng bạo lực gia đình chưa được ngăn ngừa từ đầu

Vừa rồi, chị L. (TP.Tân An) đệ đơn ly hôn với chồng do thường xuyên bị BLGĐ. Theo chị L., mặc dù trong các lần bị bạo hành, chị đều trình báo công an phường nhưng sự việc không được giải quyết. Trong đó, đầu năm 2023, chị bị chồng đánh đập và hành hung.

Do bức xúc, chị đến công an phường trình báo. Dù lực lượng công an có lập biên bản ghi nhận sự việc nhưng vẫn không xử lý vụ việc. Tháng 7-2023, trong một lần thuê xe Honda ôm đi giao đồ cho khách, chị tiếp tục bị chồng hành hung giữa đường do nghi ngờ, ghen tuông. Dù các lần bị chồng hành hung, chị đều trình báo lực lượng công an địa phương nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm và chỉ khuyên chị làm thủ tục ly hôn.

Theo một số thẩm phán thụ lý các vụ việc hôn nhân - gia đình, hiện nay, có tình trạng hành vi BLGĐ không được ngăn ngừa từ đầu. Sở dĩ còn tình trạng này do một số địa phương sợ bị trừ điểm thi đua trong thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết