Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” do Chính phủ ban hành ngày 3/2 và có hiệu lực từ 15/4 là cơ sở pháp lý cho phòng, chống thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, đồng thời là yếu tố môi trường quan trọng góp phần xây dựng văn hóa mạng.
Từ phương thuốc ngăn chặn “virus”…
Không gian mạng mang lại nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn như, người dùng có thể bị xâm phạm đời tư, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và nhiều nguy cơ khác. Nếu chủ quan, đơn giản có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin xấu, độc, gây hại cho cộng đồng, xã hội, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Một thực tế đáng lo ngại là môi trường mạng đang bị vẩn đục bởi các hành vi thiếu văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ. Có thể thấy tràn lan những lời nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc, những lời bình luận miệt thị, “ném đá” tập thể, những “anh hùng bàn phím”…, đặc biệt là thông tin sai sự thật ngày càng gia tăng.
Thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đưa thông tin không chính xác hoặc bịa đặt, làm nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch như: “Hà Giang 6 ca mắc mới”; “Khu cách ly thành phố Hà Nội vỡ trận”; “Bệnh nhân thứ 21 có con riêng”; “Ca đầu tiên tử vong”…
Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch.
Cho đến nay, cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid-19 bị cơ quan chức năng xử lý. Riêng chủ tài khoản có tên là “KOL” đã tung lên gần 300 bài viết với nội dung sai sự thật về dịch bệnh.
Nhằm ngăn ngừa, xử lý những hành vi vi phạm trên môi trường mạng, Chính phủ đã ra Nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/1/2014. Nghị định có những quy định về hành vi thông tin sai sự thật trên mạng và các mức phạt với người vi phạm, nhưng sự phát triển của thực tiễn đòi hỏi có nghị định thay thế.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP có những thay đổi về mức xử phạt đối với thuê bao di động trả trước dành cho doanh nghiệp viễn thông di động và quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Theo đó, Điều 101, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Hướng đến lành mạnh hóa môi trường mạng, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và của mỗi người dân
... đến lành mạnh hóa môi trường mạng
Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là hướng đến lành mạnh hóa môi trường mạng, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và của mỗi người dân.
Điều quan trọng trước hết là mỗi người cần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức. Khi hoạt động trên không gian mạng cũng phải có suy nghĩ và hành vi ứng xử tương ứng, thống nhất với cuộc sống đời thực, trong tất cả các mối quan hệ, xây dựng thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và cảm thông.
Có trách nhiệm lời nói và hành vi của chính mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý; không chia sẻ nội dung thông tin xấu, độc. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng.
Mỗi người cần nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng và các quy định trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nhất là những hành vi bị cấm như những hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân, giữ bí mật mật khẩu, đặt chế độ xem phù hợp; sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc; tham khảo chuyên gia về cách sử dụng mạng an toàn. Phối hợp chặt chẽ với bộ phận chăm sóc khách hàng mà mình sử dụng dịch vụ, với cơ quan công an để ngăn chặn những hành vi vi phạm và xử lý các tình huống rủi ro phát sinh.
Các cơ quan chức năng sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Theo đó, cần đưa ra các quy tắc chung như tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn; các quy tắc riêng đối với người dùng theo các mức độ khác nhau như: Nên/không nên, được/không được.
Thực hiện tốt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên mạng. Sáng tạo những phong trào tương tự như phong trào “Giờ trái đất”, “Mùa hè xanh”...
Cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải mẫu mực về văn hóa, đạo đức, lối sống, có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia mạng xã hội; có những lời khuyên hữu ích và có những tác động điều chỉnh khi cần thiết.
Cơ quan chuyên trách nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên tìm kiếm những bài đăng sai sự thật, xúc phạm người khác, những hình ảnh phản cảm,…gửi tới nhà cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, các mạng xã hội mà người dùng đăng tải và yêu cầu gỡ bỏ./.
Theo VOV.VN