Tiếng Việt | English

24/09/2023 - 09:39

Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên và những điều cần biết

Thực phẩm có độc tố tự nhiên (ĐTTN) là loại thực phẩm có sẵn các chất độc. Tùy vào loại thực phẩm, lượng tiêu thụ, cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau. Số người bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do ĐTTN thường ít nhưng số lượng tử vong lại chiếm tỷ lệ cao.

Cà độc dược được xem là món ăn độc mang “hơi thở của quỷ” (Ảnh: Internet)

Cà độc dược được xem là món ăn độc mang “hơi thở của quỷ” (Ảnh: Internet)

Nguy hiểm từ độc tố tự nhiên

Các loại thực phẩm có ĐTTN được chia làm 2 loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá,... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và khoai mì độc, củ ấu tàu, đậu, đậu phộng mốc, hạnh nhân đắng,...

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Đặc điểm của NĐTP do ăn phải thực phẩm có ĐTTN là thời gian nung bệnh trung bình 2-4 giờ, lâu hơn so với ngộ độc thực phẩm do hóa chất. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là hội chứng thần kinh kèm triệu chứng tiêu hóa. Tỷ lệ tử vong rất cao. Các ngộ độc thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái. Số lượng mắc thường ít, lẻ tẻ”.

Bên cạnh các loại thực phẩm có ĐTTN được nêu trên, cà độc dược được xem là món ăn độc mang “hơi thở của quỷ” bởi hầu như năm nào cũng có một số trường hợp cấp cứu do ăn hoặc uống rượu ngâm cà độc dược. Những dấu hiệu phổ biến ở những người bệnh sau khi ăn cà độc dược là nôn ói, co giật, lảm nhảm,...

Hiện một số trang mạng rao bán các sản phẩm cà độc dược sấy khô. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng đúng hướng dẫn vì cà độc dược là một vị thuốc Đông y tốt, chữa được nhiều tình trạng bệnh lý nhưng cần chú ý dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, không nên tự ý dùng hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cần bỏ ngay quan niệm cà độc dược là vị thuốc nên chế biến món ăn hoặc ngâm rượu uống để tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần phân biệt con sam biển và so biển để phòng tránh ngộ độc. Theo Cục ATTP, cả 2 con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Trứng sam là thức ăn ngon và bổ được ưa chuộng nhưng trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do Tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Đuôi con sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác (Ảnh: Internet)

Đuôi con sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác (Ảnh: Internet)

Điều cần lưu ý là chất độc này không bị nhiệt phá hủy, nó chịu được nhiệt độ cao, dù đun sôi, phơi khô hay sấy khô, chất độc vẫn tồn tại. Do đó, thức ăn làm từ so biển dù được nấu chín, nướng chín hay phơi khô đều nguy hiểm. Sau khi ăn phải so biển, chất Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10-15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Liều tử vong đối với người là 1-2mg. Nguyên nhân tử vong là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.

Cách phân biệt sam biển và so biển

Sam trưởng thành nặng 1,5-2kg. Chúng có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính khoảng một gang tay (20cm), dưới bụng có tám chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Sam cái nặng khoảng 1kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác.

Trong khi đó, so biển (tên khoa học Carcinoscorpius rotunicauda) là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển, nơi các lạch nước ngọt. Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20-25cm, không kể đuôi, toàn thân màu xanh nâu đậm. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Theo đó, điểm khác biệt rất dễ nhận thấy là sam lúc nào cũng đi đôi, còn so biển nhỏ hơn sam và chỉ đi một mình.

Chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn

Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hàng năm, thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng thực phẩm có chứa ĐTTN (nấm độc, hoa, quả rừng, cây rừng,...). Trong đó, có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù được cứu chữa kịp thời.

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP do ĐTTN, Cục ATTP ban hành Công văn số 278/ATTP-NĐTT, ngày 15/02/2023 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giám sát cũng như triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản; các loại nấm, rau, củ, quả rừng tự nhiên. “Thực hiện chỉ đạo của Cục ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp các phòng chức năng của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ, quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm địa phương (dễ xảy ra ngộ độc).

Người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng, chống NĐTP do ĐTTN cho cộng đồng. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm ATTP; đồng thời, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ,...; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến bảo đảm an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương” - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết thêm. NĐTP do ĐTTN có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống thực phẩm nghi có ĐTTN cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời./.

Để phòng ngừa NĐTP có ĐTTN, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn hoặc biết cách chế biến, loại trừ chất độc trước khi ăn.

- Không ăn cá nóc, bạch tuộc đốm xanh dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả đã nấu chín, cá khô, sấy, hay làm mắm,...

- Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

- Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

- Vỏ củ cải trắng có độc tố furocoumarins. Để tránh độc khi ăn củ cải trắng, cần gọt bỏ sạch vỏ, nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng, củ cải sẽ hết độc.

- Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đậu đã bị mốc, thâm đen.

- Xyanua là chất gây độc trong măng, do vậy, khi ăn măng tươi phải ngâm, rửa kỹ trong nước nhiều giờ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến. Trong sắn (khoai mì) cũng có chất độc xyanua; để loại bỏ chất độc, khi ăn sắn phải bóc vỏ, ngâm nước lạnh nhiều giờ trước khi chế biến.

- Không uống mật cá. Mật cá trắm được truyền miệng có tác dụng tăng cường sức khỏe. Thực tế, trong mật cá trắm có chất độc có thể gây suy gan và suy thận cấp.

- Cóc hay được dùng làm thực phẩm bồi dưỡng cho người già và trẻ em nhưng nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh. Ngộ độc do độc tố từ cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc.

- Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu,...

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết