Tiếng Việt | English

01/08/2022 - 18:20

Nguy cơ từ tự ý chuyển đổi mô hình sản xuất chưa qua khuyến cáo của cơ quan chức năng

Hiện nay, tình trạng vi phạm mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại một số địa phương khá phức tạp, nhất là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Mặt khác, do giá một số mặt hàng nông sản chủ lực bấp bênh nên nông dân vì mưu sinh mà chuyển đổi mô hình sản xuất chưa qua khuyến cáo từ cơ quan chức năng.

Một căn nhà nuôi chim yến trên đất nông nghiệp

Một căn nhà nuôi chim yến trên đất nông nghiệp

Trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, nhiều nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa, tràm sang nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá tra, trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Bên cạnh việc mang lại nguồn thu nhập cao hơn so với trước đây thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tự phát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của những hộ xung quanh và phá vỡ quy hoạch chung về vùng sản xuất nông nghiệp; đồng thời, gây lãng phí những công trình hạ tầng mà Nhà nước đầu tư phục vụ vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, về lâu dài khó khắc phục,...

Trung tá Võ Văn Bé Hai - Trưởng Công an xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, thông tin: “Có nhiều nông hộ tự ý đào ao nuôi tôm thẻ, khi phát hiện, chúng tôi nhắc nhở các hộ chấp hành quy hoạch chung của xã, huyện và trước khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thì cần xin ý kiến của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Đồng thời, hành vi xả thải trong chăn nuôi ra môi trường mà chưa qua xử lý là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt nặng nếu gây ô nhiễm môi trường”.

Trên một số cánh đồng, nhiều ngôi nhà xây cất trái phép. Bà N.T.L. - chủ một căn nhà nuôi chim yến cất trên đất nông nghiệp thuộc xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Thấy mọi người làm thì tôi cũng làm theo chứ không xin phép xây dựng”.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Mộc Hóa - Phạm Quốc Việt cho biết: “Gần đây, trên địa bàn huyện, nhiều nông dân chuyển đổi từ trồng lúa, tràm sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản vì mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa, tràm. Một số hộ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu xả thải không qua xử lý”.

Cũng theo ông Phạm Quốc Việt, hiện nay rất khó hướng dẫn nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì mà chủ yếu chỉ khuyến cáo nông dân không nên nuôi, trồng các loại (cây, con) không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hoặc có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, ven sông cửa biển, một số diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ cũng bị lấn chiếm, có nơi vi phạm về san lấp, xây dựng trái phép, gây bức xúc trong dư luận. Việc phá rừng phòng hộ để san lấp vì mục đích riêng mà chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây tác hại lớn đến môi trường và việc phòng, chống thiên tai, chống sạt lở mùa mưa, bão./.

Hoài Đăng

Chia sẻ bài viết