Hệ thống đèn chiếu sáng công nghệ Led trên địa bàn huyện Tân Hưng
Công tác tham mưu chính sách
Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 30-3-2021 về Chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Quyết định này nhằm đẩy mạnh công tác nhân rộng các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.
Theo đó, năm 2021, Sở KH&CN triển khai, thực hiện nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên 21 mô hình với tổng kinh phí 61,14 tỉ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ 9,9 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng tham gia khoảng 51,2 tỉ đồng.
Một số mô hình nổi bật
Năm 2021, Sở KH&CN triển khai thực hiện 8 mô hình. Đây là ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để xây dựng cầu giao thông nông thôn nhằm giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng được thuận lợi và giảm chi phí. Qua đó, góp phần hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa bàn 2 huyện: Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Tổng kinh phí thực hiện chương trình 23,5 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đối ứng 18,9 tỉ đồng và 4,6 tỉ đồng từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ.
Công ty TNHH MTV Ngọc Vịnh là đơn vị thực hiện thi công cầu ứng dụng UHPC trong thời gian qua tại địa bàn tỉnh. Đại diện công ty - Trương Công Vịnh cho biết: Ứng dụng UHPC trong xây dựng cầu có tính ưu việt cao so với sản phẩm bê tông truyền thống. Qua thực tế, trong quá trình xây dựng, cầu ứng dụng UHPC mang lại nhiều ưu điểm: Rút ngắn thời gian xây dựng, sản phẩm gọn nhẹ, độ thẩm mỹ cao, tiện lợi, dễ lắp đặt, sản phẩm có cường độ chịu lực lớn, độ bền cao.
Tháng 1-2022, Sở KH&CN phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 (đơn vị nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất, triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh) tổ chức Hội thảo Hiệu quả ứng dụng bê tông siêu tính năng UHPC trong lĩnh vực xây dựng. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, các chuyên gia đến từ Hội Bê tông Việt Nam cùng đại diện các sở, ngành, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh. Công nghệ UHPC có 5 đặc tính ưu việt: Vật liệu xanh bền vững giảm được khí tải; tuổi thọ cao, gấp đôi bê tông cốt thép bình thường; giá thành mặt cầu chỉ bằng 50% bê tông cốt thép bình thường nhưng độ bền ăn mòn lớn; chi phí bảo trì thấp và thi công nhanh. Hội thảo được các nhà chuyên môn lĩnh vực xây dựng đánh giá cao.
Ứng dụng tiến bộ công nghệ mới trong chiếu sáng đường giao thông
Nhằm góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực tuyến biên giới, mô hình ứng dụng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng cho các tuyến đường tuần tra biên giới đang thiếu hoặc không có điện lưới được Sở KH&CN thực hiện. Qua đó, đã triển khai, thực hiện 12 mô hình tại các địa phương có tuyến đường biên giới: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Thiếu tá Vũ Duy Ngọc - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), cho biết: Từ khi hệ thống đèn hoạt động góp phần tích cực trong công tác tuần tra bảo vệ biên giới của đồn biên phòng, nhất là vào ban đêm. Hệ thống đèn phủ sáng rất rộng, bảo đảm cho các chiến sĩ quan sát từ xa và việc đi lại cơ động, rất thuận tiện. Đây là mô hình rất hiệu quả, góp phần cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh biên giới.
Ngoài ra, Sở KH&CN còn triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ điều tiết tự động trong chiếu sáng đường giao thông, sử dụng bộ điều khiển Diming kết hợp sản phẩm đèn Led chiếu sáng. Bình quân mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ tiết kiệm từ 40-45% so với đèn cao áp đang sử dụng. Việc làm này góp phần nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự khu vực và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tạo vẻ mỹ quan, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Sống ở nội ô thị trấn Tân Hưng, anh Nguyễn Thành Nhân nói: “Trước đây, tuyến đường trước cửa nhà tôi có hệ thống đèn chiếu sáng nhưng là đèn dây tóc cao áp. Loại đèn này cường độ ánh sáng không rộng, đoạn đường giáp nối giữa 2 cây đèn có khoảng tối. Hơn 1 năm qua, hệ thống đèn được thay thế bằng đèn Led, cường độ ánh sáng mạnh, sáng đều, trải đều giáp giữa 2 đèn, không có khoảng tối. Không chỉ riêng tôi mà người dân xung quanh cũng vui mừng bởi về đêm, đèn không chỉ bảo đảm ánh sáng tốt để người dân lưu thông mà còn góp phần giữ gìn an ninh, trật tự”.
Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Khi đưa vào sử dụng hệ thống đèn Led trên một số tuyến đường ở địa bàn huyện giúp giảm điện năng tiêu thụ. Trước đây, tiền điện tiêu thụ bình quân 80 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay khi sử dụng đèn Led, tiền điện sử dụng cho hệ thống chiếu sáng giảm còn khoảng 50 - 55 triệu đồng/tháng (tùy thời tiết và điều kiện chiếu sáng thực tế). Hơn nữa, khi sử dụng đèn Led có thể điều chỉnh độ sáng theo khung giờ thực tế cần.
Việc triển khai nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ thiết thực đời sống, sản xuất của người dân và một số lĩnh vực hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH.
Năm 2022, triển khai khoảng 16 mô hình
Tiếp tục trong năm 2022, Sở KH&CN đang thực hiện các thủ tục để triển khai theo kế hoạch được duyệt khoảng 16 mô hình: Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng; Sản xuất, nhân rộng ứng dụng, sáng kiến lá chắn kích điện chống gây rối, bạo loạn; Ứng dụng thiết bị thông báo, báo hiệu nội bộ phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sử dụng vật liệu bê tông tính năng siêu cao cốt thép phân tán UHPC trong xây dựng cầu giao thông nông thôn; Đèn tiết kiệm năng lượng mặt trời chiếu sáng áp dụng trên tuyến đường giao thông nông thôn; Ứng dụng công nghệ điều tiết tự động trong chiếu sáng đường giao thông, sử dụng bộ điều khiển Diming kết hợp sản phẩm đèn Led chiếu sáng khu đô thị; Phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình.
Cầu giao thông ứng dụng công nghệ UHPC
Hiện nay, chủ trương hỗ trợ, khuyến khích hoạt động thúc đẩy chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích đẩy nhanh cũng như tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối, phối hợp đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp vào thực tiễn địa phương.
Trong thời gian tới, Sở KH&CN phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều mô hình ứng dụng mới, đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với hoạt động sản xuất và đời sống để giúp triển khai có hiệu quả Chính sách nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2021 - 2025./.
Mai Hương