Tiếng Việt | English

13/09/2017 - 08:37

Nhiều hệ lụy từ vay lãi suất cao

Vì cần tiền gấp cho việc làm ăn hoặc giải quyết nhanh chóng công việc, nhiều người vay tiền với lãi suất cao dẫn đến mất khả năng chi trả, có trường hợp bị “xã hội đen” hành hung, gây thương tích. Cũng có trường hợp, người vay không thể trả được nợ và bị chủ nợ “dụ” chuyển quyền nhà cửa, đất đai,...

Nửa đêm đến nhà chém "con nợ"

Nhiều năm qua, gia đình ông Huỳnh Văn Kiếm, ngụ ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, Long An sống rất bình yên. Hàng ngày, ông chạy xe ba gác, vợ ông - bà Bùi Thị Hồng làm nghề thu mua ve chai; tuy vất vả, cực nhọc nhưng cũng đủ trang trải chi phí hàng ngày.

Nhà ông Huỳnh Văn Kiếm - nơi nhóm "xã hội đen" đến đòi nợ, chém người

Thế nhưng, cuộc sống gia đình ông bị xáo trộn khi nửa đêm 13/8/2017, một nhóm 7-8 đối tượng tìm đến, xông vào nhà ông Kiếm để đòi nợ. Khi không đòi được nợ, nhóm xã hội đen rút mã tấu chém gần đứt lìa nửa bàn tay trái của ông Kiếm. Ngay trong đêm, người dân đưa ông Kiếm đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng mất nhiều máu; sau đó, ông được chuyển gấp lên bệnh viện ở TP.HCM nối lại các ngón tay.

Theo lời kể của gia đình ông, trước khi rời đi, cả băng xã hội đen còn gằn giọng nhắc nhở: “Chém thì chém, nhưng tiền thì phải trả!”. Anh Huỳnh Thanh P. (con ông Kiếm) cho biết: “Mẹ tôi có vay nặng lãi bên ngoài khoảng 50 triệu đồng với lãi suất 20-30%/tháng. Vì lãi suất quá cao nên mẹ mất khả năng chi trả”.

Cũng từ ngày băng xã hội đen đến nhà đòi nợ rồi chém chồng, vợ ông Kiếm bỏ nhà trốn biệt tăm. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Trụ bắt được một số đối tượng chém ông Kiếm trọng thương. Vụ việc tiếp tục được điều tra, làm rõ, xử lý trước pháp luật.
Hiện nay, tìm người cho vay nặng lãi rất dễ dàng. Những đối tượng này không chỉ cho vay lãi suất tính theo tháng mà còn tính lãi suất theo mỗi ngày.

Cụ thể, cho vay 1 triệu đồng có lãi suất từ 2.000-3.000 đồng/ngày (tương đương từ 72-108%/năm); thậm chí, có khi cho vay 1 triệu đồng có lãi 5.000-7.000 đồng/ngày (tương đương từ 180-250%/năm). Như vậy, nếu vay 50 triệu đồng trong 6 tháng với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày thì số tiền lãi 1 ngày là 150.000 đồng; 1 tháng là 4,5 triệu đồng và sau 6 tháng lên đến 27 triệu đồng.

“Ngân hàng trụ điện”, “gầm cầu”

Chuyện cho vay hiện rất phổ biến ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn. Trên nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, rất dễ nhìn thấy những “ngân hàng trụ điện” hay “ngân hàng gầm cầu”. Đó là những tờ thông báo được gắn nhan nhản ở gầm cầu, cột điện, bờ rào, gốc cây,... với nội dung “cho vay không cần thế chấp”.

Tuy nhiên, tất cả các tờ thông báo này đều không có địa chỉ giao dịch cụ thể, tổ chức nào đứng ra cho vay mà chỉ ghi kèm theo số điện thoại để liên hệ. Điều đáng nói, những tờ thông báo này xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn - nơi mà sự hiểu biết của người dân về tín dụng còn hạn chế.

Một bản thông báo dán ở gốc cây

Từ các tờ quảng cáo, chúng tôi thử liên lạc qua số điện thoại 01234... thì đầu dây bên kia xưng là nhân viên của một công ty tài chính. Chưa cần đề cập đến số tiền vay, nhân viên này giới thiệu hàng loạt gói dịch vụ. Tuy nhiên, khi được hỏi về địa điểm để giao dịch thì nhân viên này nói chỉ cần đến quán cà phê hay bến xe.

Trao đổi về những vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Long An - Hà Văn Đức khẳng định: “Hình thức thông báo cho vay tiền ở bờ rào, cột điện, gầm cầu, phát tờ rơi quảng cáo, nhân viên giao dịch không có địa chỉ cố định, cụ thể, rõ ràng như trên không thuộc hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh”.

Theo Phó Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh Long An - Huỳnh Văn Chúc, hình thức này không loại trừ khả năng do những tổ chức, cá nhân mạo danh một công ty tài chính, tổ chức tín dụng nào đó để lừa khách hàng. Mặc dù giới thiệu là cho vay lãi suất thấp nhưng người vay rất dễ bị lừa rồi vay với lãi suất rất cao và mất khả năng thanh toán. Từ đó, dẫn đến những hệ lụy khác như bị đòi nợ, siết nợ,... Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những hình thức cho vay dạng này.

“Hợp đồng giả cách”

Năm 2010, ông Nguyễn Văn Nhỏ, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vay của ngân hàng 130 triệu đồng, theo đó, ông trả lãi theo quí và đáo hạn vay hàng năm. Khi đến kỳ đáo hạn nhưng do chưa có tiền nên ông Nhỏ vay tiền của một người tên Sơn để trả. Đến cuối tháng 12/2014, qua nhiều lần mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, trả lãi và trả nợ vay thì tổng số tiền mà ông Nhỏ nợ ông Sơn lên đến 350 triệu đồng.

Cùng lúc này, ông Sơn ra “tối hậu thư” yêu cầu ông Nhỏ trả hết tiền nợ. Do ông Nhỏ không có tiền trả nợ nên ông Sơn giới thiệu ông Nhỏ thế chấp 3 thửa đất (trong đó, một thửa đất ruộng có 2 phần mộ của người thân) cho Phạm Quốc Thịnh (SN 1979), ngụ ấp 3, xã Long Hòa, để vay tiền.

Thế rồi, do không có tiền trả, đến cuối tháng 12/2014, ông Thịnh đề nghị ông Nhỏ lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho mình với giá chuyển nhượng 550 triệu đồng (giá trị thực tế cao hơn nhiều). Giữa năm 2015, Thịnh làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trên.

Khoảng giữa tháng 7/2015, Thịnh thuê ông Võ Văn Mười (SN 1968), ngụ ấp 3, xã Long Hòa, tỉnh Long An tìm người di dời 2 ngôi mộ trên. Ông Mười gọi 3 người ngụ ấp 3, xã Long Hòa, đến di dời mộ. Điều đáng nói, sau khi bốc mộ xong, trên đường về, Nguyễn Văn Dương (1 trong 3 người được thuê đào mộ) cầm bao đựng xương cốt vứt xuống sông ở khu vực cầu Ông Bộ.

Một thông báo vay không thế chấp treo trên cây nhưng không ghi địa chỉ giao dịch

Chuyện người dân đi vay nợ, sau đó chủ nợ yêu cầu, gạ gẫm hoặc lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất mà số tiền ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản như trường hợp ông Nhỏ không phải ít. Với hình thức này, thông thường, các chủ nợ đưa ra “giao kèo”, khi thanh toán xong tiền nợ sẽ trả lại hợp đồng cho người vay. Nhưng vì lãi chồng lãi, một thời gian sau, người vay mất khả năng chi trả nên chỉ biết tức tưởi nhìn tài sản của mình vào tay người cho vay. Những hợp đồng kiểu này được gọi nôm na là “hợp đồng giả cách”.

Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Long An- Trần Văn Năm cho biết: “Hơn 10 năm trước, trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng phát hiện những “hợp đồng giả cách”. Nhưng những năm gần đây, trường hợp nghi là “hợp đồng giả cách” nhiều hơn. Thực tế cũng xảy ra những tranh chấp và đưa nhau ra tòa án giải quyết. Nhận thấy vấn đề này, Sở Tư pháp cũng có văn bản gửi các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh cảnh giác, nếu nghi ngờ “hợp đồng giả cách” thì đừng vội vàng công chứng mà phải tìm hiểu kỹ và trao đổi rõ với người vay để giúp họ tránh mắc bẫy lừa”.

Thế nhưng, theo ông Năm, thông thường, người đi vay lại rất cần tiền trả nợ nên khi công chứng viên khuyên thì họ vẫn không nghe theo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ những nạn nhân của các vụ việc cụ thể và qua tuyên truyền, nhắc nhở của các phòng công chứng thì người vay cũng cảnh giác hơn, do vậy, loại “hợp đồng giả cách” không còn rộ như trước./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết