Tiếng Việt | English

21/08/2017 - 15:01

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông nghiệp ƯDCNC là hướng đi hợp lý, đúng đắn mà tỉnh đề ra. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, mô hình chỉ mới thực hiện tại một số địa phương với diện tích còn khiêm tốn, phương pháp, cách tiếp cận, cách làm còn nhiều lúng túng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Long An thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên 3 cây, 1 con: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC tại các huyện Đồng Tháp Mười, 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành, 2.000ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 4 địa phương (Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và TP.Tân An), vùng chăn nuôi 500-1.000 con bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Phấn đấn đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất.

Lúng túng trong thực hiện

Nằm trong vùng chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đến nay, huyện Đức Huệ chỉ mới thành lập ban chỉ đạo, xây dựng vùng chăn nuôi bò ƯDCNC, xây dựng kế hoạch gieo tinh nhân tạo, lắp đặt các panô tuyên truyền cho các xã và các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), còn mô hình thực tế mới chuẩn bị triển khai (dự kiến ngày 22/8, tại xã Mỹ Hạnh Bắc).

THT Bò sinh sản, ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ mới được thành lập nhằm thực hiện đề án. Tổ trưởng THT - Phạm Văn Phích cho biết: “THT với 17 thành viên, tổng đàn bò với số lượng 58 con, chuẩn bị đi vào hoạt động. Chúng tôi cần sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng cỏ, gieo tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò có chất lượng; hướng dẫn cách xử lý về chuồng trại, chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cần có mô hình điểm để người dân tham quan, học tập”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Phạm Văn Liên cho biết: “Đây là chương trình mới nên bước đầu triển khai, huyện còn lúng túng, nhất là việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, vốn. Nông dân trên địa bàn quen với sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, không thể thay đổi trong thời gian ngắn nên công tác vận động người dân liên kết gặp khó. Chúng tôi kiến nghị, tỉnh có hướng dẫn cụ thể về sử dụng nguồn kinh phí, nhanh chóng triển khai các mô hình điểm để làm cơ sở nhân rộng; tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ xã, huyện trong vùng thực hiện đề án, giới thiệu doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm”.

Chăn nuôi bò ƯDCNC, huyện Đức Hòa triển khai thực hiện 29 điểm trồng cỏ, mỗi điểm trên 1.500m2; 2 mô hình điểm về hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản, gieo tinh nhân tạo, đạt 289 con (kế hoạch 600 con); vỗ béo bò thịt được 130 con (kế hoạch 150 con). Đối với cây rau, huyện thực hiện 4 mô hình điểm tại xã An Ninh Tây và Tân Mỹ, nhân rộng ra 2 địa bàn này với diện tích 80ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: “Tuy một số mô hình đạt hiệu quả nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, nhận thức của người dân theo hướng sản xuất an toàn còn hạn chế. Huyện tiếp tục
tuyên truyền người dân, nhân rộng các mô hình triển khai, củng cố hoạt động THT, HTX, hình thành chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Kế cấu hạ tầng chưa bảo đảm

Không chỉ lúng túng trong việc thực hiện, một số địa phương còn gặp khó khăn lớn về hạ tầng phục vụ nông nghiệp ƯDCNC. Đường giao thông hiện nay tại một số huyện chưa đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, các kênh tưới tiêu nội đồng chưa được đầu tư đúng mức,... Các trạm bơm điện không bảo đảm công suất, mạng lưới điện còn thiếu, đa phần người dân dùng điện sinh hoạt phục vụ sản xuất không đủ điện áp và giá thành cao.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn hạn chế, chỉ ở mức độ “tạm được”. Huyện kiến nghị tỉnh triển khai các công trình thủy lợi nội đồng và đầu tư tuyến đường giao thông tại xã Tân Mỹ. Bên cạnh đó, có kế hoạch nâng cấp mạng lưới điện phục vụ sản xuất.

Đến năm 2020, huyện Tân Thạnh có 4.000ha lúa ƯDCNC, dự kiến vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện chính thức triển khai thực hiện đề án. Theo Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Nguyễn Thanh Truyền, khó khăn vẫn là thị trường và hạ tầng. Hiện nay, vùng quy hoạch mới xây dựng được 10 trạm bơm điện, số lượng chưa bảo đảm phục vụ, điện áp yếu nên việc vận hành các trạm bơm này hạn chế; đường giao thông tại một số xã trong vùng chưa đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa.

Liên kết còn lỏng lẻo

Liên kết 4 nhà có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Khi đó, nông dân thông qua THT, HTX làm đại diện ký kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực của một số THT, HTX còn yếu nên chưa phát huy hết khả năng của mình. Doanh nghiệp nhiều nhưng việc tham gia liên kết ít do năng lực tài chính hạn chế. Do đó, quá trình liên kết còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - hướng đi đúng, nhưng còn lắm khó khăn khi thực hiện

Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến (TP.Tân An), đơn vị nhiều năm xây dựng cánh đồng lớn với nông dân, ký hợp đồng với nông dân qua HTX theo hình thức đầu tư phân, thuốc, giống, một phần chi phí và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Giám đốc công ty - Nguyễn Thành Mười thông tin, khi thực hiện cánh đồng lớn, nông dân đồng thuận nhưng đến khi thu hoạch lại không hợp tác, thường “bẻ kèo” bán cho thương lái bên ngoài khi được trả giá cao hơn. Hiện nay, công ty chỉ lựa chọn hợp đồng với HTX có uy tín và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Fresco Farm (huyện Đức Hòa) - Hoàng Hùng Cường nhận định, việc liên kết với nông dân chưa chặt chẽ. Công ty sản xuất 3ha rau ƯDCNC, cung cấp cho TP.HCM nhưng thực hiện độc lập.

Bà Nguyễn Thị Phượng, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng cho rằng, liên kết với doanh nghiệp, nông dân có nhiều thuận lợi, nhất là được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn là do phải thực hiện nhiều quy trình, quy định. Bên cạnh đó, giá thị trường tăng, nông dân đề xuất doanh nghiệp tăng giá nhưng không được chấp nhận. Từ đó, giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.

Nông nghiệp ƯDCNC được xây dựng với mục tiêu phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp cận với nông dân, người trực tiếp sản xuất, họ đều lo ngại về vấn đề thị trường tiêu thụ.

Ông Trương Minh Vương, ngụ ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng nói: “Gia đình tôi ủng hộ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhưng điều lo lắng nhất là khi mình đầu tư nhiều vốn, công sức nhưng đầu ra nông sản không được bảo đảm”.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp thông tin, thời gian qua, huyện rất quan tâm vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông sản huyện nhà nhưng còn nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm rất ít, chủ yếu nông dân bán qua thương lái, giá cả bấp bênh. Tỉnh cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm, nhất là trong vùng thực hiện đề án,...

Tại cuộc làm việc về công tác triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Đức Hòa, Đức Huệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, bảo đảm đạt kế hoạch./. 

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết