Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - Huỳnh Thế Năng phát biểu tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào chiều ngày 15/9/2017
Xuất khẩu giảm sút
Hiện, Long An có 20 DN được phép XK gạo trực tiếp, trong đó, thị trường chủ yếu chỉ có 2 DN và 4 chi nhánh công ty được XK gạo có kho, cơ sở xay xát trên địa bàn tỉnh trực tiếp xuất sang Trung Quốc.
8 tháng năm 2017, các DN trong tỉnh xuất được 462.000 tấn (gạo, nếp), kim ngạch đạt 215 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 14% về giá trị. Thị trường chủ yếu: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Philippine, Ghana, Indonesia, Đài Loan, Nam Phi. Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, chỉ có 6 DN XK tăng so với cùng kỳ, 10 DN XK giảm và 4 DN chưa XK được. Trong 16 DN XK, có 6 DN XK đạt trên 10.000 tấn, 7 DN XK đạt từ 1.000-6.000 tấn và 3 DN XK dưới 1.000 tấn. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến có lượng XK đứng đầu toàn tỉnh. Theo đó, 8 tháng qua, DN này xuất được 200.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng XK của tỉnh.
Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt kết quả nhất định, đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN XK gạo đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với hợp tác xã (HTX), nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các đối tác.
Nhiều trở ngại về vốn
XK gạo có nhiều rủi ro, trong khi đó, ngân hàng giảm hạn mức tín dụng dẫn đến không ít DN gặp khó khăn về tài chính. Tại cuộc đối thoại, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến - Nguyễn Thành Mười thẳng thắn chia sẻ: “Chế biến và xuất khẩu gạo là ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng và thu mua lúa gạo từ nông dân, chế biến, XK. Trong đó, vòng tiền mua nguyên liệu đến thu hồi của khách hàng XK mất từ 20-30 ngày. Vì vậy, tôi đề nghị, ngân hàng xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc mở rộng hạn mức tín dụng, giúp DN có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh”.
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của doanh nghiệp
Theo phản ánh của Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An, Công ty TNHH Việt Thanh: Khi DN liên kết xây dựng cánh đồng lớn, phải ứng tiền cho nông dân từ 5-7 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, nếu DN đầu tư 1.000ha phải ứng cho nông dân từ 5-7 tỉ đồng, lãi suất do DN trả. Mặt khác, sản xuất lúa trên cánh đồng lớn tiến hành thu hoạch đồng loạt yêu cầu DN phải có khoảng 35 tỉ đồng để thu mua lượng lúa của 1.000ha. Số tiền này phải trả cho nông dân sau thu hoạch lúa khoảng 10 ngày.
2 DN này kiến nghị: Ngân hàng: Xem xét cho vay tín chấp đối với khoản tiền ứng trước cho nông dân tham gia cánh đồng lớn; với khoản tiền mua lúa của nông dân và lượng lúa ấy được chuyển về kho DN, DN kiến nghị, ngân hàng thẩm định cho vay thế chấp bằng giá trị lượng lúa trên; khi DN XK bán lượng lúa gạo này, sẽ thanh toán tiền cho ngân hàng. Nếu DN được ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn tạm ứng cho nông dân, hỗ trợ vốn trả tiền mua lúa đồng loạt thì cánh đồng lớn mới có điều kiện phát triển và gia tăng diện tích.
Ngoài ra, DN còn đề nghị, ngân hàng nâng hạn mức cho vay tương ứng với tài sản thế chấp; kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ DN XK gạo ở tỉnh vào đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay trung và dài hạn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư đổi mới quy trình công nghệ chế biến, lưu kho bảo quản sản phẩm lúa gạo.
Bên cạnh các ý kiến đề xuất ngân hàng tăng nguồn vốn tín dụng, DN cũng kiến nghị ngành Thuế giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định. Nếu chậm được hoàn thuế thì vốn của DN chậm được lưu thông.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, Long An có 22 DN tham gia cánh đồng lớn. Trong đó, có 5 DN xây dựng phương án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt và 11 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với các DN xây dựng cánh đồng lớn. Tuy nhiên, so với những năm trước, năm 2017, việc liên kết giữa DN và HTX, nông dân thực hiện cánh đồng lớn giảm. Cụ thể, năm 2017, diện tích thực hiện cánh đồng lớn là 25.478ha (giảm hơn 3.780ha so với năm 2016). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là DN gặp khó khăn về vốn, thị trường, về hợp đồng ký kết. Ngoài ra, mối liên kết giữa DN, nông dân và chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ; một số nơi chưa có HTX hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của doanh nghiệp
Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Hồ Thị Ngọc Lan cho biết, thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao hơn so với diện tích bên ngoài. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho nông dân hiểu được chủ trương và đồng thuận tham gia cánh đồng lớn, tạo mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đối với những kiến nghị của DN về vốn tín dụng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp cho biết: “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn, các DN XK gạo, thực hiện cánh đồng lớn,... được bổ sung nguồn vốn tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất”.
Kết thúc cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết yếu của DN. Từ những kiến nghị của DN, ông đề nghị, các đơn vị liên quan tiếp tục tích cực hỗ trợ DN XK gạo, nhất là hỗ trợ về giống, tín dụng ngân hàng, thuế, xây dựng cánh đồng lớn để DN XK gạo hoạt động ngày càng hiệu quả. Riêng, Sở Công Thương cần tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ DN tham gia, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng mong muốn Hiệp Hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ DN XK gạo về thông tin thị trường XK, giá cả, các khuyến cáo và nhu cầu của các nước nhập khẩu để DN nắm bắt, vận dụng trong hoạt động kinh doanh XK gạo./.
Mai Hương