Tiếng Việt | English

19/11/2015 - 18:21

Những địa chỉ đỏ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ

75 năm sau ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 - 23-11-2015), có nhiều địa danh lịch sử trong tỉnh từng ghi dấu ấn những cuộc đấu tranh anh dũng, bi hùng của các chiến sĩ cách mạng. Những vùng đất này thay đổi từng ngày.

Ngôi mộ tập thể tại Giồng Cám

Giồng Cám là nơi diễn ra trận đánh ác liệt vào ngày 23-11-1940, các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ quận Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) phục kích tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu với đồng bào là Quản Nên và Bếp Nhung. Sau khi tiêu diệt 2 tên ác ôn này, chiều ngày 23-11-1940, bọn địch ở Đức Hòa đi lấy xác Quản Nên và Bếp Nhung vùi chung 4 người dân vô tội ở con mương nhà ông Lê Văn Khách, cũng tại Giồng Cám, nay thuộc ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa (4 người này được chôn chung trong một ngôi mộ lập ngày 29-2-1970 tại Giồng Cám). Sau đó, giặc Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa ở Đức Hòa.

Sáng ngày 24-11-1940, chúng tổ chức càn quét với quy mô lớn vào làng Đức Hòa. Với sự chỉ điểm của bọn tay sai, địch đốt hơn 40 ngôi nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách. Và nhiều người dân ở các địa phương khác trong huyện cũng bị địch giết hại, bắt bớ nhưng vẫn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, để lại trong lòng người dân hình ảnh cao đẹp của người cộng sản. 


Di tích lịch sử Giồng Cám 

Ở tuổi 87, ông Huỳnh Văn Hai - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, hiện ở xã Đức Hòa Thượng vẫn còn minh mẫn, khi nhớ về cuộc khởi nghĩa năm đó, ông bùi ngùi: “Khi đó, tôi mới 12 tuổi. Gia đình tôi đều tham gia cuộc chiến nên tôi biết được trong đêm 22-11, rạng sáng 23-11-1940 sẽ có cuộc khởi nghĩa diễn ra. Nhiệm vụ chính của cuộc khởi nghĩa này là tiếp ứng cho Sài Gòn và tấn công vào tuyến Đức Hòa. Khoảng 13-14 giờ ngày 23-11-1940, khi tôi đang cùng mọi người làm trên cánh đồng giữa xóm Giồng Cám và Giồng Đốt, bất ngờ nghe tiếng súng nổ vang lên từ xóm Giồng Cám. Một lúc sau, tôi nhìn thấy có đoàn người kéo từ xóm Giồng Cám xuống xóm Giồng Đốt. Mọi người tay cầm cờ, súng, dao, một ít vũ khí vừa đi vừa hô to khẩu hiệu: “Đồng bào ơi, bà con ơi!” và lực lượng xông lên giết tên ác ôn ở Đức Hòa. Nhưng sau đó, chính cuộc chiến này để lại nỗi đau không thể nào quên cho gia đình tôi. Gia đình tôi có đến 7 người hy sinh, 5 người bị thương”.

Đức Hòa Thượng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử nổi bật: Khởi nghĩa Nam Kỳ, di tích lịch sử vườn nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn,... Phát huy truyền thống anh hùng, tuổi trẻ Đức Hòa Thượng có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, cán bộ Đoàn lồng ghép nội dung tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn tăng cường tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh,… trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến trước Cách mạng Tháng 8-1945. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, toàn Tân An và Chợ Lớn có 94/128 làng tham gia khởi nghĩa, tiến đánh 12 đồn bốt, thu 55 súng, trừng trị 47 tên ác ôn, tay sai... Nhiều nơi rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm.

Khí phách anh hùng "Bà Hoàng Hậu Đỏ"

Ngoài huyện Đức Hòa, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng diễn ra ác liệt tại một số địa phương khác. Và lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Tân An - Chợ Lớn tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, quận Cần Giuộc (nay là huyện Cần Giuộc) và làng An Thạnh, quận Trung Quận (nay là Bến Lức).

Gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại mảnh đất vùng hạ là cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và chỉ huy nhiều trận đánh của anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Cho đến khi bị địch bắt, bà vẫn nêu cao khí tiết của người cách mạng, tỏ rõ thái độ kiên cường, bất khuất trước quân thù. Chính sự gan dạ ấy mà mật thám Pháp đặt cho bà biệt danh “Bà Hoàng hậu đỏ”.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nguyễn Thị Bảy bị kết án tử hình, xử bắn tại sân banh Cần Giuộc khi tuổi đời vừa mới đôi mươi. Nguyễn Thị Bảy và Nguyễn Thị Minh Khai là 2 trường hợp lãnh án tử hình trong danh sách 100 nữ tù chính trị bị kết án.

Ngày nay, cách trung tâm thị trấn Cần Giuộc chừng vài km qua bến đò Phước Lại - Tân Thanh, mảnh đất Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Hậu,... nơi ghi dấu cuộc chiến Khởi nghĩa Nam Kỳ dần “chuyển mình”. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các xã miền hạ và chủ trương khai thác tiềm năng công nghiệp tại các xã này làm cho bộ mặt nông thôn và đời sống người dân đổi khác.

Những cánh đồng ngập mặn, quanh năm chỉ có cây bần và cây dừa nước sinh sống, giờ đây là những đầm tôm hay những nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư được quy hoạch. Đường 12 cũ (nay là Đường tỉnh 826C) con đường huyết mạch thường bị ngập nước, sụt lún nay được đầu tư nhựa hóa rộng thênh thang, kết nối với TP.HCM dễ dàng hơn trước. Đặc biệt, khi Khu công nghiệp Long Hậu hình thành và đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương cũng như các nơi khác.

Năm 2012, Phước Vĩnh Tây được chọn là xã điểm Về nguồn của huyện, tạo đòn bẩy để xã phát triển về mọi mặt. Nhất là gần đây thông qua chương trình xã hội hóa, địa phương này được hỗ trợ 10 tỉ đồng để xây dựng trường THCS đầu tiên, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh trong toàn xã.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Phạm Minh Hiếu thông tin, bằng nhiều hoạt động và phong trào ý nghĩa, thanh niên Cần Giuộc ra sức học tập và phấn đấu xây dựng quê hương. Có nhiều mô hình tập hợp, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế,... không những vậy, trong những chuyến du khảo Về nguồn hoặc các hội thi tìm hiểu lịch sử góp phần giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ trẻ./.

Thanh Nga - Phương Phương

Chia sẻ bài viết